Chung tay phòng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia)

05/06/2024 - 07:01

 -  Bệnh tan máu bẩm sinh (còn gọi là bệnh Thalassemia) là bệnh di truyền bẩm sinh. Bệnh có 2 biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời. Nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động.

Ngày Thalassemia 8/5/2024 có chủ đề: “Phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”. Để góp phần nâng cao giống nòi Việt, hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, ngành y tế và dân số tỉnh có nhiều hoạt động nhân Ngày Thalassemia, như: Hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, tăng cường truyền thông từ tỉnh đến cơ sở; tư vấn vãng gia thăm hộ gia đình...

Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày Thalassemia, vừa qua, Sở Y tế chủ trì lễ ký kết kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Gene Solutions Lab (Gene Solutions), triển khai chương trình “Xã hội hóa xét nghiệm triSure NIPT cho thai phụ, nâng cao chất lượng dân số Việt”. 55 mẫu xét nghiệm triSure NIPT, trị giá hơn 100 triệu đồng được Gene Solutions trao tặng cho thai phụ An Giang. Qua đó, cho thấy ngành y tế, dân số rất quan tâm đến việc tầm soát nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tối đa số ca mắc bệnh tan máu bẩm sinh trong cộng đồng.

Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới truyền thông phòng bệnh tan máu bẩm sinh

Với chủ đề “Tăng cường tiếp cận thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”, thời gian qua, huyện Chợ Mới đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức. Qua đó, thay đổi hành vi của người dân, hiểu, chủ động tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới tổ chức chuyên đề tại xã Long Điền B, lồng ghép truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia và truyền thông cung cấp thông tin kiến thức, kỹ năng thực hành về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên năm 2024.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (Phòng Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (KHHGĐ), Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới) cho biết: “Huyện tăng cường truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh, truyền thông tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Năm 2023, huyện Chợ Mới thực hiện sàng lọc cho 1.468 thai phụ, chưa phát hiện mắc Thalassemia; số phụ nữ mang thai sàng lọc trước sinh đạt tỷ lệ gần 123%, số trẻ em được sàng lọc sơ sinh đạt tỷ lệ 114,6%, không ghi nhận trường hợp mắc Thalassemia”. 4 tháng đầu năm 2024, toàn huyện Chợ Mới có gần 900 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, đạt 42,93% kế hoạch năm, trong đó chưa ghi nhận trường hợp nguy cơ cao. Có 731 trẻ được sàng lọc sơ sinh, trong đó có 9 ca nguy cơ cao đối với tình trạng suy giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD. Ngoài ra, trên 1.300 nam, nữ thanh niên khám sức khỏe tiền hôn nhân, đạt tỷ lệ trên 54,5% so với kế hoạch.

Bà Võ Thị Bông (xã Long Điền B) chia sẻ: “Con gái tôi vừa lập gia đình. Nghe tuyên truyền, tôi rất quan tâm, khi con gái có thai, tôi sẽ cho con thực hiện sàng lọc để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé”. Chị Hà Thị Lợi (ngụ cùng địa phương) chia sẻ: “Tôi thấy rất cần thiết sàng lọc, tốt cho mẹ và bé, nhằm loại trừ bệnh tật thai nhi, sinh ra những đứa con khỏe mạnh”.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ An Giang Nguyễn Hồng Nam cho biết, tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền với biểu hiện thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Một trong những nguyên nhân chính do kết hôn cận huyết. Ước tính có khoảng 13% dân số Việt Nam mang gen bệnh, với hơn 8.000 trẻ sinh ra hàng năm bị tan máu bẩm sinh. Trong đó, khoảng 2.000 ca bị thể nặng. Nỗ lực lớn điều trị là truyền máu định kỳ và uống thuốc thải sắt suốt đời, chỉ dừng lại ở giới hạn làm chậm xuất hiện biến chứng, chưa thể chữa khỏi. Chất lượng sống của bệnh nhân thấp, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh nhân còn tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu, quá tải bệnh viện, cũng như gánh nặng chi chi phí xã hội. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng hiệu quả trên 90% bằng biện pháp tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Hiện, Chi cục dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân, cung cấp các dịch vụ này cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại các tuyến huyện, thị xã, thành phố, vị thành niên/thanh niên, thai phụ có thể đến trung tâm y tế địa phương để được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi.

HẠNH CHÂU