Quang cảnh chương trình lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), tối 16/7, tại Sân vận động 30/4, huyện Côn Đảo, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Côn Đảo-Sáng mãi bản anh hùng ca."
Đến dự có ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; đại diện các cựu tù chính trị; thân nhân các liệt sỹ đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại chương trình nghệ thuật, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Việt Nam; tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các Anh hùng Liệt sỹ đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời nhấn mạnh: "Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 là dịp để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ; đền ơn đáp nghĩa không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là tình cảm thiêng liêng của mỗi chúng ta".
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn xác định đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sỹ, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm cao quý, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã làm vơi đi phần nào những mất mát, khó khăn, tạo điều kiện động viên thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công không ngừng nỗ lực vươn lên.
Theo ông Dương Anh Đức, vùng đất thiêng liêng Côn Đảo-nơi mang đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc; trước hàng vạn nấm mộ có tên và chưa biết tên của những người con ưu tú từ khắp các miền đất nước, như "bàn thờ Tổ quốc," ghi sâu những giá trị thiêng liêng của độc lập tự do, đánh thức trong mỗi người con thế hệ hôm nay những khát vọng vươn tới lẽ sống cao đẹp, vượt qua những khó khăn.
"Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các Anh hùng liệt sỹ đã tiếp thêm ngọn lửa cho phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh và là bài học giáo dục truyền thống về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau," ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nêu cao trách nhiệm, phát huy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; khẳng định niềm tự hào với những chiến công và thắng lợi đã giành được, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; khẳng định ý chí mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đất nước.
Tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, tri ân các mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh đã bị tù đày, người có công với cách mạng, chương trình nghệ thuật đã diễn ra trang trọng, thành kính với tinh thần đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa," qua đó bày tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với những đồng bào, đồng chí đã cống hiến máu xương và hy sinh cả tính mạng, cuộc sống, tài sản của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình nghệ thuật "Côn Đảo - Sáng mãi bản anh hùng ca" được xây dựng bằng các thủ pháp nghệ thuật đa dạng, khơi gợi cảm xúc về ký ức không quên thông qua những câu chuyện huyền thoại, di tích lịch sử hào hùng tại Côn Đảo gồm 4 chương mang chủ đề: "Côn Đảo - Lung linh đảo ngọc," "Ký ức Côn Sơn," "Bài ca không quên" và "Đảo ngọc khát vọng vươn xa."
Ca khúc “Côn Đảo” do Phạm Thế Vĩ và nhóm ca thể hiện. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Trong suốt 120 phút, chương trình đã khái quát suốt chiều dài lịch sử hơn 113 năm, từ năm 1862 đến năm 1975, Côn Đảo đã bị thực dân, đế quốc xâm lược và tay sai dùng làm nơi giam cầm, đày ải những sỹ phu, học giả, những người yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh-Nghĩa Thục, chống thuế ở Trung Kỳ, nổi dậy ở Nam Kỳ như các cụ Lã Xuân Oai, Nguyễn Thiện Kế, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều cán bộ, chiến sỹ cách mạng kiên trung của Đảng như đồng chí Nguyễn An Ninh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tạ Uyên, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ…
Được mệnh danh là "Địa ngục trần gian," nhưng nhà tù Côn Đảo cũng là trường học lớn, vườn ươm các thế hệ cách mạng, nơi tôi luyện tinh thần cách mạng và bản lĩnh, ý chí chiến đấu của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước…
Sau gần 30 năm kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, nhân dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người: "Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà."
Côn Đảo-trong suốt hàng trăm năm là trường học cách mạng của hàng vạn người Việt Nam, nơi hun đúc ngọn lửa đấu tranh cách mạng rực sáng suốt hơn một thế kỷ. Côn Đảo-vùng đất linh thiêng, là biểu tượng của tình yêu nước, khí phách anh hùng bao thế hệ con người Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật cũng khái quát 47 năm đất nước hòa bình, thống nhất, Côn Đảo yêu thương ngày càng vững bước trên con đường dựng xây và phát triển. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã góp sức chung tay, góp phần tôn tạo và gìn giữ những giá trị thiêng liêng trên địa danh lịch sử này.
Tự hào và tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, tri ân sự hy sinh của các thế hệ cha ông, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước sẽ luôn khắc ghi đạo lý ngàn đời của dân tộc "uống nước nhớ nguồn," làm tốt công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ; phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng "văn minh-hiện đại-nghĩa tình."
Chương trình không chỉ khắc họa một thời anh dũng, hy sinh của các anh hùng dân tộc có danh và cả chưa biết tên vì nền hòa bình, độc lập của đất nước mà còn là lời nhắc cho thế hệ sau phải trân trọng và noi gương sự hi sinh anh dũng của thế hệ anh hùng…
Xuyên suốt chương trình là các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc với các ca khúc như "Lung linh đảo ngọc Côn Đảo," "Biết ơn chị Võ Thị Sáu," "Lý tưởng sống," "Bài ca hy vọng," "Đồng đội ơi," "Tin tưởng ca," "Khúc hát tri ân," "Thành phố của những huyền thoại," liên khúc "Linh thiêng Việt Nam - Bài ca không quên," "Tiếng hò ngư dân," "Ru em bằng tiếng sóng," "Đảo thần tiên-Vì một thế giới xanh trong," "Nụ cười Việt Nam," "Bình minh"….
Chương trình có sự tham gia của nhiều văn nghệ sỹ biểu diễn như nghệ sỹ nhân dân Trọng Hữu, Tạ Minh Tâm, Út Tỵ; nghệ sỹ ưu Tú Phượng Hằng, Duy Kim, Văn Môn, Hoàng Kha, Trường Giang, Văn Sơn; ca sỹ Đông Nhi, Hiền Thục, Hồ Trung Dũng, Quốc Đại, Phạm Thế Vĩ, Thanh Sử, Cao Công Nghĩa, Thùy Trinh, Trúc Lai, Hồ Tuấn Phúc, Đồng Diệu Ly; Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn, Ban chỉ huy Quân sự huyện Côn Đảo, Nhà Văn hóa Thanh niên, Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu-Côn Đảo cùng các nhóm múa…../.
Theo THANH VŨ (TTXVN/Vietnam+)