Tiết mục Đường lên Tây Bắc và Giải phóng Điện Biên trong chương trình nghệ thuật. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Tối 21-12, trong khuôn viên Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Ban tổ chức các ngày lễ lớn của thành phố tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2019), 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2019), 73 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2019) và 59 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960-20/12/2019) với chủ đề “Sáng mãi truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.”
Chương trình nghệ thuật gồm ba phần “Vì Tổ quốc chúng tôi lên đường,” “Miền Nam thành đồng Tổ quốc” và “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân” giới thiệu đến khán giả nhiều tiết mục ca múa nhạc hoành tráng, đặc sắc, tái hiện những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc với ý chí sục sôi, tinh thần quyết chiến, quyết thắng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào vì độc lập, tự do của cả dân tộc.
Trong phần “Vì Tổ quốc chúng tôi lên đường,” khán giả được thưởng thức các ca khúc: Đoàn vệ quốc quân; Ca ngợi Hồ Chủ tịch; Liên khúc 19/2, Toàn dân kháng chiến; Tiểu đoàn 307…
Các ca khúc gợi nhắc về sự kiện cách đây 75 năm tại khu rừng Sam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng các đơn vị Cứu quốc dân, các đội du kích phát triển thành Việt Nam giải phóng quân (15/5/1945) cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945.
Đến năm 1950 đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.”
Ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhưng thực dân Pháp một lần nữa nổ súng xâm chiếm nước ta. Đứng trước tình thế vận nước nguy nan “ngàn cân treo sợi tóc,” ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, tất cả “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.”
Từ ngày ấy, biết bao người con ưu tú của đất nước “Vì Tổ quốc chúng tôi lên đường,” đã hiến dâng xương máu và tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, trở thành những tượng đài anh hùng bất diệt trong lịch sử dân tộc.
Tiết mục Đoàn vệ quốc quân do ca sỹ Trọng Nghĩa cùng tốp múa biểu diễn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Tại chương trình nghệ thuật, khán giả cũng được xem và nghe lại lời kêu gọi của Bác Hồ “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước”; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng đứng lên kháng chiến cứu nước.
Quân đội ta với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã cùng toàn Đảng, toàn dân không quản gian khổ, hy sinh, làm nên những chiến thắng lẫy lừng như: Bình Giã, Ấp Bắc, Vạn Tường, Bàu Bàng, Đường 9 Nam Lào…
Đứng đầu chiến tuyến là quân và dân ta ở miền Nam-Thành đồng Tổ quốc đã ghi dấu những chiến tích hào hùng của dân tộc về tinh thần quả cảm, sự mưu trí của con người Việt Nam nhỏ bé tay không chống giặc.
Đặc biệt là hệ thống địa đạo Củ Chi xây dựng trong lòng đất sâu, dùng để ẩn nấp và chiến đấu với kẻ thù hung bạo.
“Củ Chi - Đất thép thành đồng,” không chỉ là niềm tự hào của quân và dân Củ Chi, mà đó còn là kết tinh truyền thống, phong trào đấu tranh yêu nước của quân-dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.
Đó cũng là phần 2, chủ đề “Miền Nam thành đồng Tổ quốc,” khán giả được thưởng thức tổ khúc Đất thép thành đồng; ca cổ Bài ca địa đạo; Liên khúc hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi; tổ khúc múa Chiến sỹ đặc công, Đặc công rừng sác, Biệt động Sài Gòn; tổ khúc Bác cùng chúng cháu hành quân, Đường Hồ Chí Minh trên biển; liên khúc Tiến về Sài Gòn, Sài Gòn quật khởi, Đất nước trọn niềm vui…
Tại phần 3 với chủ đề “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân,” khán giả tiếp tục được xem những hoạt cảnh và nghe các ca khúc: Chúng tôi lên đường; Nhớ đêm Trường Sa; Chúng tôi là người lính Bác Hồ; Liên khúc Tổ quốc trong trái tim, Bài ca người chiến sỹ Thành phố Hồ Chí Minh, Hát mãi khúc quân hành… thể hiện truyền thống Bộ đội Cụ Hồ luôn sáng mãi qua bao thế hệ cán bộ - chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân, chắc tay súng canh giữ bình yên cho đất nước, bảo vệ từng tấc đất biên cương, vùng trời - vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc./.
Theo THANH VŨ (TTXVN/Vietnam+)