Người dân mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên địa bàn Hà Nội. Ảnh (minh họa): Trần Việt/TTXVN
Cùng với các yếu tố tác động chủ yếu tới thị trường dầu thế giới năm 2023 vẫn tiếp tục ảnh hưởng sang năm nay, những gián đoạn thương mại vì bất ổn trên Biển Đỏ đến thời điểm này đang tác động như thế nào đến giá dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm nhập khẩu, thưa ông?
Căng thẳng ở Biển Đỏ xảy ra vào cuối năm 2023 đã khiến giá dầu và giá sản phẩm xăng dầu bật tăng rất cao, trong đó có những phiên giá dầu đột biến tăng 3%. Tuy nhiên, nếu xét trong cả năm 2024, các căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục diễn ra ở mức độ lớn hơn nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận tải hàng hóa, thời gian vận chuyển gia tăng, chi phí gia tăng. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ tạo sức ép rất lớn làm gia tăng chi phí sản xuất, bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp, từ đó khiến sản xuất bị giảm sút, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và nhiên liệu cũng sẽ giảm dần. Khi đó, giá dầu có thể giảm xuống bởi nhu cầu yếu đi.
Thưa ông, năng lực sản xuất dự phòng của khối OPEC+ sẽ tác động như thế nào tới việc ổn định giá dầu trước những rủi ro địa chính trị?
Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lực dự phòng của OPEC+ giai đoạn cao điểm chiếm khoảng 5% nguồn cung dầu mỏ ra ngoài thế giới, tương đương với khoảng 5 triệu thùng/ngày. Trong trường hợp khẩn cấp phải sử dụng và gia tăng công suất dự phòng, khối này cũng dễ dàng đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung trên thị trường.
Tuy nhiên trên thực tế, không dễ xảy ra các cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng trong thời gian tới do công suất dự phòng của các nước OPEC+ ở mức rất tốt cũng như việc chủ động bổ sung các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược và quốc gia của các nước, trong đó công suất dự trữ dầu mỏ của Mỹ hiện ở mức 1 tỷ thùng/ngày.
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, nhu cầu dầu của thế giới năm nay sẽ tăng so với năm 2023 trong bối cảnh nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn, thậm chí có thể bị thiếu hụt ngay trong quý I này. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về dự báo này?
VPI cho rằng dự báo này khả thi và sát với biến động trên thị trường dầu hiện nay. Hiện mặt bằng lãi suất chung đã có dấu hiệu giảm dần tại một số quốc gia trên thế giới, cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt so với năm 2023. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kéo theo nhu cầu dầu cho sản xuất kinh doanh cũng tăng theo tương ứng.
Về dự báo thiếu hụt nguồn cung, VPI đánh giá xác suất rất thấp. Căn cứ chính là nhiều nước có các kho dự trữ chiến lược trong khi nguồn cung của các nước ngoài OPEC như nguồn cung dầu khí đá phiến tại Mỹ vẫn tăng đều trong giai đoạn từ tháng 5/2023 cho đến cuối năm 2023 vừa qua. Vì vậy, bên cạnh nguồn cung của OPEC, thị trường sẽ được bổ sung ngay từ nguồn cung ngoài OPEC nên khó có khả năng xảy ra việc thiếu hụt nguồn cung trong giai đoạn quý I hoặc trong năm 2024.
Vậy các tổ chức quốc tế và Viện Dầu khí Việt Nam dự báo như thế nào về kịch bản giá dầu thô năm nay?
Báo cáo mới phát hành tháng 1/2023 của IEA dự báo, giá dầu Brent trung bình năm 2024 khoảng 82,5 USD/thùng. Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2024 là 86,9 USD/thùng. Về mặt cung cầu, cả hai tổ chức này đều nhận định nguồn cung và nhu cầu trong năm 2024 sẽ ở mức khoảng 102 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày so với năm 2023. Thậm chí, nguồn cung còn vượt một chút so với nhu cầu năm 2024.
Còn VPI dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong năm 2024 sẽ dao động trong khoảng 85-88 USD/thùng cho năm 2024. VPI cũng cho rằng năm 2024 sẽ có một số đợt biến động giá dầu mạnh trong khoảng thời gian không dài. Nguyên nhân là do căng thẳng chính trị tại Trung Đông giữa Israel và Hamas vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngoài ra, căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine cũng như căng thẳng tại Biển Đỏ có thể bùng phát thành căng thẳng ở mức độ tăng cao hơn nữa. Vì vậy, có thể xảy ra các cuộc tăng rất nhanh trong năm 2024.
VPI cũng dự báo cán cân cung cầu thị trường khá bám sát nhau và ở mức khoảng 102 triệu thùng/ngày như các tổ chức quốc tế dự báo.
Trước các biến động của thị trường xăng dầu thế giới năm 2024, Việt Nam cần có những cái giải pháp thích ứng như thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, thưa ông?
Hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng như các nguồn pha chế khác trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Phần còn thiếu được các doanh nghiệp nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo thống kê của VPI, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm 2023 của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn các loại.
Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung sản phẩm xăng dầu trong nước năm 2024 ở mức độ bình ổn, Việt Nam phải đảm bảo dự trữ. Hiện Việt Nam cũng đã có các quy định về dự trữ dầu mỏ và xăng dầu. Do vậy, giải pháp chính là phải đảm bảo dự trữ ở mức hài hòa nhất để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Giải pháp thứ hai là nâng cao năng lực dự báo để có dự báo chính xác nhu cầu tiêu thụ cụ thể theo từng khu vực vùng miền, từng lĩnh vực, từng thể loại sản phẩm… để có kế hoạch nhập khẩu hay tăng, giảm trong các kho dự trữ, phù hợp nhất với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng lúc nhu cầu tăng cao thì thiếu hàng hoặc là ngược lại.
Giải pháp tiếp theo là áp dụng các công nghệ mới, các hình thức chuyển đổi số trong việc tối ưu việc vận chuyển giữa các khu vực thị trường, khu vực cung ứng thị trường để đảm bảo phân phối sản phẩm xăng dầu giữa các vùng miền, tránh hiện tượng thiếu hụt cục bộ.
Đấy là một số cái giải pháp mà chúng tôi cho rằng căn cơ và rõ ràng nhất mà chúng ta có thể áp dụng được trong năm 2004 để nguồn cung xăng dầu được đảm bảo.
Xin cảm ơn ông!
Theo TTXVN