Chuyên gia WHO khuyến khích tăng cường tiêm vaccine

02/12/2021 - 13:47

Ngày 1-12, một chuyên gia cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19, ngay cả khi thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 Omicron hiện chưa rõ ràng.

Hình ảnh của Omicron, loại biến thể nguy hiểm mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi, do các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi khoa Bambino Gesu tại Italy công bố ngày 27-11-2021. Ảnh: Sputnik/TTXVN

Phát biểu họp báo, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO - bà Maria Van Kerkhove, cho biết nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong vì COVID-19 ở những người đã tiêm phòng đầy đủ thấp hơn đáng kể so với những người chưa tiêm. Theo bà, thông tin về biến thể Omicron đến nay còn hạn chế, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay không có tác dụng chống lại biến thể này. Bà khẳng định vaccine sẽ giúp ngăn chặn nhiều ca tử vong, kể cả trong trường hợp hiệu quả của vaccine giảm.

Trước đó, ngày 29/11, WHO cảnh báo rủi ro từ biến thể Omicron là “rất lớn”, do các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể này có số lượng đột biến cao bất thường. Theo WHO, trong lúc chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn biến thể mới, các nước nên đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. 

Liên quan tới biến thể Omicron, ngày 1/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại việc nhiều nước trên thế giới áp đặt hạn chế đi lại với một số nước và khu vực, đồng thời kêu gọi đưa ra các biện pháp khác để ứng phó. 

Hiện nhiều nước đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại hoặc cấm nhập cảnh đối với những người đến/trở về từ các nước miền Nam châu Phi sau khi biến thể Omicron được phát hiện tại khu vực này. Tuy nhiên, theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Thư ký Guterres cho rằng các biện pháp này không hiệu quả và gây chia rẽ trên toàn cầu, đặc biệt khi các quốc gia châu Phi này đã tích cực chia sẻ những thông tin y tế, khoa học mang tính cấp thiết với thế giới. Do đó, người đứng đầu LHQ kêu gọi các nước cân nhắc đưa ra các biện pháp phù hợp như tăng cường xét nghiệm các hành khách xuất/nhập cảnh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mà vẫn đảm bảo các hoạt động kinh tế và đi lại không bị gián đoạn.

Đến nay, biến thể Omicron đã lan ra hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Botswana, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Israel và các nước châu Âu... Ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt hạn chế đi lại với một số quốc gia châu Phi do lo ngại biến thể này.

Theo HOÀNG CHÂU - HẢI VÂN (TTXVN)