Chuyện hậu cần cho khu cách ly

09/04/2020 - 07:32

 - Cùng các “chiến sĩ” ở tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, những người ngày đêm lo chuyện hậu cần, phục vụ những bữa ăn thiết yếu cho người được cách ly rất đáng được ca ngợi. Với họ, công việc dù thầm lặng, việc làm dù nhỏ nhưng được làm bằng tất cả trái tim và sự nhiệt huyết để chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Đoàn viên, thanh niên chung tay cùng hội viên phụ nữ lo chuyện hậu cần

Cùng làm nhiệm vụ hậu cần như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Thoại Sơn (An Giang) phối hợp Huyện đoàn thành lập tổ hậu cần đảm nhận phục vụ ăn uống cho những người ở khu vực cách ly.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thoại Sơn Dương Triết Minh cho biết: “Để đảm bảo nhu cầu ăn uống hàng ngày cho người cách ly, hội thành lập 4 tổ hậu cần. Nhân lực được huy động từ chị em hội viên phụ nữ, ĐVTN trong huyện. Ngoài kinh phí của nhà nước, chúng tôi vận động thêm thực phẩm trong người dân… Tất cả đều mong người đang cách ly có được những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, vượt qua thời gian cách ly tốt nhất”. Xin đừng vội cho rằng nấu ăn là việc giản đơn, giống như chuyện “thường ngày ở huyện”!

Riêng việc chăm lo bữa cơm hàng ngày của gia đình thôi, với người phụ nữ là bài toán nan giải. Nào là ăn món gì, phù hợp khẩu vị các thành viên không, giá cả ra sao, dinh dưỡng thế nào… Các tổ hậu cần chỉ hơn 10 người, phải “gồng mình” ngày ngày cơm nước gần cả trăm, thậm chí vài trăm người ở khu vực cách ly thì quả là rất đáng khâm phục.

Một ngày có mặt cùng tổ hậu cần đang nấu ăn phục vụ 92 người dân đang được cách ly tại Trạm Y tế thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn), mới thấy sự tất bật của việc hậu cần là như thế nào. Không nhàn nhạ cũng chẳng “khua chiêng múa trống” rầm vang, mỗi người một việc, sự nhịp nhàng trong từng chi tiết khiến chúng tôi đôi lúc thấy trở nên vướng víu vì không bắt nhịp kịp cùng mọi người. Ở đây, mỗi tổ hậu cần chỉ 15 người (10 hội viên phụ nữ và 5 ĐVTN). Còn nấu ăn thì khỏi phải kể, có đến trăm, ngàn việc… không tên.

Nhìn hình ảnh mọi người nhanh nhẹn từ lời nói đến hành động, mới thấm thía sự vất vả của tổ hậu cần. Người vo gạo nấu cơm, người đánh vẩy làm cá, vài người lặt rau, gọt trái cây. Đâu đó ở góc nhỏ, vài người cũng bận “đầu tắt mặt tối” loay hoay xào, nấu cho cơm, canh vừa ăn.

Cái nóng hanh hao của trưa tháng 4 khiến mọi thứ trở nên ngột ngạt nhưng dường như chưa là gì so với sức nóng hừng hực từ các bếp nấu đang đỏ lửa mà chúng tôi ghé thăm. Dẫu phải gác lại việc gia đình nhưng những người ở tổ hậu cần vẫn sẵn lòng, chung tay cùng địa phương phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Loay hoay chọn từng thực phẩm tươi ngon nhất, giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo nhưng tiếng cười vẫn không thiếu ở tổ phục vụ hậu cần. Vượt qua những ngày đầu lóng ngóng, bỡ ngỡ với công việc nhưng giờ bạn Lê Vũ Đan Thanh (Phó Bí thư Đoàn thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) đã thuần thục hơn với việc nấu cơm, chuẩn bị thực phẩm.

“Thường ngày, tôi đi làm về là được mẹ nấu cơm cho ăn, trước giờ lại ít đụng tay vào bếp núc. Nhưng khi địa phương thành lập tổ hậu cần phục vụ cơm nước ở khu cách ly, tôi xung phong ngay. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ sẽ cùng mọi người góp chút sức nhỏ trong “cuộc chiến” chống “giặc” Covid-19. Càng làm, tôi càng thấy công việc có ý nghĩa và rất tích cực tham gia.

Ngay cả ba mẹ cũng rất tự hào khi tôi được góp chút công sức chứ không hề tỏ ra e ngại hay lo sợ. Dù nhà cách điểm hậu cần hơn 30km, cả đi và về phải hơn 70km nhưng tôi không thấy mệt khi tham gia nấu ăn cùng tổ hậu cần!” - bạn Đan Thanh chia sẻ.

Không riêng gì bạn Đan Thanh, theo chị Triết Minh, hầu hết mọi người trong tổ hậu cần đều có mặt từ rất sớm, ngay từ tinh mơ, nhiều chị phải đi chợ chuẩn bị thực phẩm. Thấy được việc làm ý nghĩa của chị em, nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ thêm rau, củ, quả hay nhu yếu phẩm cần thiết. Các tiểu thương ở chợ cũng bán “nới” hơn cho các chị. Nhờ vậy, 2 bữa ăn trưa, chiều ở khu cách ly luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, giúp nâng cao sức khỏe cho những người được cách ly.

Theo đó, buổi sáng khoảng 10 giờ 30 phút, chiều 16 giờ 30 phút, thức ăn sẽ được vận chuyển đến khu vực cách ly. “Khi cơm, canh được cho vào các khay thức ăn tươm tất, gọn gàng, mọi người đều hy vọng sẽ vừa miệng người dùng. Với chúng tôi, niềm vui chỉ cần có thế, dù chặng đường còn nhiều vất vả nhưng mọi người sẽ cố gắng đến cùng” - chị Dương Triết Minh bày tỏ.

PHƯƠNG LAN