Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là 'biểu tượng tình hữu nghị bền chặt'

28/05/2018 - 14:01

Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 29-5 đến 2-6, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã phỏng vấn ông Fumio Shimizu, Phó Cục trưởng Cục Các vấn đề châu Á và châu Đại dương, thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Theo ông Shimizu, chuyến thăm của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam năm 2017 và chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân với tư cách là quốc khách bắt đầu từ ngày 29-5 tới "là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt nhất từ trước đến nay giữa hai nước". 

Năm nay hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh sự hợp tác và giao lưu song phương phát triển ngày càng mạnh, sự tin cậy và gắn kết bền chặt giữa hai nước ngày càng được tăng cường. Theo đó, hoạt động giao lưu trao đổi giữa các lãnh đạo chính phủ hai nước đã được tiến hành thường xuyên trong những năm gần đây. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhà vua Nhật Bản Akihito duyệt Đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam, tháng 3/2017. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Với tư cách là một thành viên trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Shimizu bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của quan hệ Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời nhân dịp này cảm ơn các hoạt động giao lưu hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ Quốc hội, doanh nghiệp và nhân dân, đã hỗ trợ quan hệ hợp tác nhân dân, chính phủ hai nước phát triển mạnh mẽ. 

Ông Shimizu cho rằng kinh tế là lĩnh vực gặt hái nhiều thành công nhất nhờ sự phát triển tốt đẹp của quan hệ giữa hai nước. Kể từ khi nối lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam vào năm 1992, Nhật Bản luôn là nước hỗ trợ lớn nhất cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng như đường sá, cảng, điện lực…

Sự hỗ trợ này đóng góp lớn cho phát triển kinh tế Việt Nam, theo đó môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện, giúp cho các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận được thị trường Việt Nam. Hiện tại, có hơn 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam - quy mô lớn nhất ở Đông Nam Á. Từ các yếu tố trên, quan hệ thương mại hai chiều tại Việt Nam cũng phát triển một cách bền vững. 

Cùng với sự phát triển trong hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân cũng phát triển mạnh. Năm 2017, lưu lượng qua lại giữa hai nước vượt 1 triệu lượt người. Hiện nay, tại Nhật Bản có hơn 260.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc, chưa kể khoảng 700 người Việt Nam đến Nhật Bản với tư cách là ứng cử viên cho chương trình đào tạo điều dưỡng viên hoặc y tá (EPA). Nhiều người Việt Nam đang đóng góp cho nền kinh tế cũng như xã hội có dân số già chiếm tỷ lệ cao của Nhật Bản. 

Từ thực tế trên, ông Shimizu cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi, đồng thời sự hữu nghị và tin cậy giữa nhân dân hai nước đang ngày càng được củng cố. 

Theo ông Shimizu, trong bối cảnh thế giới đang biến động phức tạp, sự phát triển của Việt Nam sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực. Với vị trí địa lý tiếp giáp biển, trở thành cửa ngõ của khu vực, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản trên cơ sở cùng chung lợi ích chiến lược. 

Với chủ trương chiến lược của Nhật Bản về khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương mở và tự do, khu vực Đông Nam Á có vị trí địa lý kết nối Thái Bình Dương và Ấn Động Dương và sự củng cố tính liên kết của khu vực này là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Nhật Bản, thông qua hỗ trợ cải thiện hạ tầng chất lượng cao, sẽ tiếp tục hợp tác để củng cố mối liên kết này. Ngoài ra, Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh công nghiệp, đào tạo nhân lực, hỗ trợ cải cách hành chính để giúp thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam. 

Ông Shimizu nhấn mạnh quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản hiện nay ở mức đối tác chiến lược. Để phát triển mối quan hệ này, ông cho rằng việc củng cố sự phối hợp giữa Việt Nam với Nhật Bản liên quan các vấn đề mang tính khu vực và quốc tế đóng vai trò rất quan trọng. Năm 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với tư cách là Chủ tịch Diễn đàn này.

Nhật Bản và Việt Nam cũng đã có sự phối hợp vô cùng chặt chẽ về Hiệp đinh Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ tháng 8 tới, Việt Nam sẽ đóng vai trò quốc gia điều phối, cùng với Nhật Bản, trong khuôn khổ ASEAN. Với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Trên cơ sở củng cố hơn nữa quan hệ tin cậy giữa Việt Nam với Nhật Bản, sự phối hợp song phương trong các vấn đề khu vực và quốc tế sẽ đem đến hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Nêu rõ cả Việt Nam và Nhật Bản đều là quốc gia có đường biển, cùng nhận được những lợi ích do biển mang lại, ông Shimizu cho rằng nỗ lực và phối hợp để củng cố trật tự hàng hải mở và tự do dựa trên thực thi quy định của luật pháp sẽ có vai trò vô cùng quan trọng trong thời gian tới. 

Về chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đến Nhật Bản sắp tới, ông Shimizu nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với tư cách quốc khách của Nhật Bản là một sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với hai nước. Chuyến thăm một lần nữa khẳng định sự phát triển trong giao lưu văn hóa và hợp tác giữa hai nước trong suốt 45 năm qua. 

Đây là cơ hội quan trọng để thảo luận về quan hệ hợp tác Nhật-Việt trong thời gian tới trong bối cảnh tình hình khu vực biến động phức tạp. Chuyến thăm này khẳng định và gửi đến thế giới thông điệp về sự hợp tác, phát triển trong quan hệ hai nước, tăng cường phối hợp hướng tới một trật tự thế giới mở và tự do, tăng cường sự tin cậy song phương.

Theo Báo Tin Tức