Anh Nguyễn Hữu Thắng (một tài xế lái taxi ở TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi lái xe đi nhiều nơi, cũng chứng kiến vài hành động tử tế của người xung quanh. Có lần khi dừng tín hiệu đèn giao thông, tôi nhìn thấy một cháu học sinh phổ thông giúp một chú bán vé số qua đường, do chân chú ấy di chuyển khó khăn. Cũng có lần, tôi chứng kiến cảnh người chở trái cây bị ngã xe và có nhiều người đi đường giúp nhặt lại số trái cây ấy. Mỗi khi thấy được những việc tốt như vậy, bản thân mình cũng cảm thấy vui”.
Thời gian qua, trên mạng xã hội đã có những video ngắn ghi lại những hành động đẹp và được lan truyền rộng rãi, như: Cảnh một học sinh khi đi đến cống thoát nước ven đường thấy nước đọng, học sinh này dừng lại quan sát rồi dọn dẹp rác quanh miệng cống để nước mưa trên đường thoát đi. Hay khung cảnh đầy tính nhân văn khi những chiếc ôtô di chuyển chậm qua khu vực cầu có gió lớn để che chắn, giúp nhiều xe máy an toàn qua khu vực sức gió mạnh. Ngoài ra, còn có rất nhiều hình ảnh đẹp của những bạn trẻ dọn dẹp rác thải nơi công cộng được lan tỏa… Sự lan truyền mạnh mẽ của những đoạn clip ấy không phải vì điều gì quá đặc biệt, mà vì những hình ảnh, hành động trong những đoạn clip gợi nên những điều tốt đẹp trong mỗi người.


Những việc làm tử tế ở cộng đồng giúp lan tỏa những điều tốt đẹp
Bà L.T.L (ngụ TP. Long Xuyên) mỗi ngày đi nhiều nơi để tìm nhặt túi ny-lon, vỏ chai nhựa bán kiếm tiền. Mặc dù ý thức việc làm của mình không xấu, nhưng trong một số hoàn cảnh, bà L. luôn cảm thấy tự ti khi có những ánh nhìn săm soi. Bà L. bộc bạch: “Hoàn cảnh không tốt, sức khỏe cũng kém, nên tôi chọn cách này để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có những khi may mắn gặp được người tử tế, họ tốt bụng gửi cho tôi những chai nhựa, đồ dùng không còn sử dụng. Có người còn hẹn tôi khoảng 2 tuần ghé nhà một lần để cho tôi những đồ nhựa họ gom góp từ việc phân loại rác sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Gặp được người như vậy, thấy rất ấm lòng”.
Có thể thấy, một hành động tử tế không chỉ là cách cư xử văn minh, mà còn là nhân tố gắn kết con người trong cộng đồng. Giống như một phản xạ tích cực, sự tử tế có thể “lây lan” mạnh mẽ vì khi chứng kiến hoặc thực hiện hành vi tốt, con người có xu hướng muốn nhân rộng nó. Một hành động đẹp, tử tế được thực hiện ở nơi công cộng, nó dễ dàng tạo ra hiệu ứng dây chuyền, như: Khi nhìn thấy người khác dừng lại giúp đỡ người gặp khó, ta cũng cảm thấy muốn hành động tương tự hoặc thấy ai đó nhặt rác bỏ vào thùng, chúng ta sẽ ngại khi vứt rác bừa bãi...
Mặc dù lòng tốt là hành động xuất phát tự nhiên trong mỗi con người, nhưng để nhân rộng lối sống tử tế cần có sự nuôi dưỡng từ môi trường sống, sự giáo dục từ người thân, nhà trường, xã hội. Trẻ nhỏ không thể học cách cư xử tử tế, nếu không được thấy người lớn làm gương; người trẻ khó giữ được tinh thần nhân ái, nếu quanh họ là sự thờ ơ, vô cảm. Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng, hình thành lối sống tử tế, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh có ý nghĩa quan trọng.
Để lan tỏa hành vi tử tế nơi công cộng, cần quan tâm xây dựng văn hóa ứng xử cho mọi người, mọi nhà. Mỗi người dân cần nhận thức và tự giác, trách nhiệm chung với cộng đồng, xã hội trong việc giữ gìn những cách ứng xử đẹp, văn hóa, văn minh với nhau.
Thời gian qua, nhiều trường học đã đưa giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng ứng xử nơi công cộng vào chương trình học và hoạt động ngoại khóa để giáo dục học sinh hướng đến cộng đồng, với những điều tốt đẹp. Ngoài ra, còn có nhiều chiến dịch do người trẻ phát động ngoài xã hội, góp phần lan tỏa thông điệp tích cực, cổ vũ hành vi đẹp, ca ngợi những việc làm tử tế. |
MỸ LINH