Chuyện tuyển quân ở xã vùng trong

14/02/2022 - 07:40

 - Tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là việc làm thường niên của cả nước, góp phần xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng địa phương vững mạnh. Chỉ tiêu giao quân thường không thay đổi nhiều, tuy nhiên, cách thức thực hiện phải linh hoạt theo từng năm, từng xã, phường, thị trấn. Tại xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú), chính sách hậu phương quân đội gắn với tạo nguồn cán bộ được xem là cách làm hiệu quả, phù hợp truyền thống địa phương.

Vững lòng người đi

Trần Trọng Thiện (sinh năm 2003, ngụ tổ 1, ấp Long An) là “nam đinh” duy nhất trong nhà 3 người, cũng là một trong 10 thanh niên của xã Ô Long Vĩ tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự năm nay. Nhà có sổ “cận nghèo”, mẹ mất, 2 chị gái dù lập gia đình vẫn phụ giúp ba quán xuyến nhà cửa. Thiện học xong lớp 12, cân nhắc tương lai cho mình.

“Bạn bè tôi, đứa thì đi làm, đi học, có người yêu, ngại nhập ngũ… nên hầu như chỉ có tôi đi nghĩa vụ đợt này. Tôi nghĩ, kể cả khi hoàn cảnh gia đình khó khăn hay khá giả, thi hành nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của thanh niên, không thể lấy lý do trốn tránh. Tôi muốn được thay đổi để trưởng thành, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Sau khi xuất ngũ, tôi có thể học nghề, chọn công việc mình yêu thích để làm” - Thiện bày tỏ.

Chính quyền, đoàn thể xã Ô Long Vĩ bên căn nhà mới của anh Nguyễn Việt An

Đa số thanh niên đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự chênh vênh giữa “bước ra khỏi vùng an toàn của gia đình để tham gia môi trường quân đội” và “học hành, lập thân, lập nghiệp”. Vì vậy, ngoài việc “đả thông” tư tưởng cho họ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp còn thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khối vận, Chủ tịch UBMTTQVN xã Ô Long Vĩ Lê Minh Hiển thông tin: “Để công dân như Thiện an tâm nhập ngũ, địa phương phải thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ động viên, tặng quà Tết Nguyên đán. Ngày tuyển quân, mỗi người được tặng 1 triệu đồng, phần quà trị giá 500.000 đồng. Suốt quá trình nhập ngũ, quân nhân được hỗ trợ tiền xe về thăm nhà 2 kỳ/năm; gia đình được hỗ trợ tiền xe thăm quân nhân. Khi quân nhân vắng nhà, người thân gặp bất trắc, ốm đau, khó khăn về nhà ở… địa phương tiếp tục hỗ trợ”.

Tiếp lửa người về

Khi phục vụ tốt trong quân đội, quân nhân xuất ngũ lại được địa phương tiếp tục tạo điều kiện tham gia bộ máy chính quyền, chăm lo nhiều chính sách khác, tiếp thêm ngọn lửa cống hiến cho họ. Điển hình như câu chuyện của anh Nguyễn Việt An (sinh năm 1992, ngụ tổ 9, ấp Long An, xã Ô Long Vĩ).

Xuất ngũ năm 2014, anh An quay lại tham gia lực lượng dân quân thường trực của Ban Chỉ huy Quân sự xã Ô Long Vĩ. Thành tích trong quá trình rèn luyện, cống hiến lúc nhập ngũ giúp anh được tạo điều kiện học đại học quân sự cơ sở. Hoàn thành khóa học, anh được bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Ô Long Vĩ, trở thành nguồn nhân sự quan trọng của xã. Đằng sau thành công ấy là nỗ lực vượt khó của anh, người thân; là sự hỗ trợ nhiều mặt của địa phương. “Cả chục năm trước, nhà tôi cất bằng tole, tre, mỗi lần mưa gió là dột từ đầu trước tới đầu sau. Tôi làm thợ may, chồng làm thuê, lo cho 2 con học hành nên không đủ khả năng cất lại nhà. Hễ dột tới đâu đắp vá tới đó. Sợ con học hành, nhập ngũ phân tâm, tôi động viên con giữ đạo đức, làm việc hết khả năng, chỉnh sửa những khuyết điểm đang có. Còn chuyện gia đình, ba mẹ sẽ sắp xếp, con đừng lo” - bà Nguyễn Thị Thu Nga (sinh năm 1972, mẹ anh An) chia sẻ.

Năm nay, gia đình bà Nga đón Tết rất khác biệt, trong căn nhà vừa được hỗ trợ cất sửa - vẫn là tole, nhưng chắc chắn, vững chãi hơn. Kinh phí không cao, khoảng 45 triệu đồng, nhưng là sự chung tay góp sức của UBMTTQVN xã, nhà hảo tâm xa gần. “Tôi rất biết ơn mọi người giúp đỡ chúng tôi có căn nhà mới. Ơn này chỉ có thể trả lại bằng cách chúng tôi sống thật tốt, An làm việc hết mình, không phụ lòng mọi người quan tâm” - bà Nga xúc động.

Tuyên truyền, vận động tuyển quân ở xã Ô Long Vĩ được thực hiện bằng cách trực quan, sinh động. Người đi trước là nhân tố quan trọng giúp địa phương vận động hiệu quả, chứng minh những mặt tích cực khi thi hành nghĩa vụ quân sự, làm tiền đề giải quyết việc làm khi xuất ngũ và phát triển năng lực bản thân. Khi đảm nhiệm công tác ở Ban Chỉ huy Quân sự xã, vừa đại diện cơ quan thường trực Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã, vừa là thế hệ đi trước, anh Nguyễn Việt An phát huy tối đa lợi thế của mình.

“Tại các buổi bình nghị, gặp gỡ gia đình thanh niên, tôi thường kết hợp kinh nghiệm, bài học trải qua của bản thân trong môi trường quân đội, giải thích, tư vấn, động viên thanh niên và gia đình. Tôi muốn họ vượt qua chướng ngại tâm lý, hiểu rằng quân đội không phải là môi trường nặng nề, khó khăn. Một số thanh niên hỏi thêm về những gì đã trải qua, tôi chia sẻ tỉ mỉ với họ: Chấp hành thời gian quy định về rèn luyện, học tập, ngày nghỉ, giờ nghỉ… được liên lạc thường xuyên với gia đình; những kinh nghiệm cần “bỏ túi”. Nhờ vậy, họ an tâm, sẵn sàng nhập ngũ. Mong rằng, thanh niên sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị chủ lực, tiếp tục phục vụ, cống hiến ở nhiều vai trò đắc lực cho địa phương. Họ là nhân tố mới, trở thành thế hệ kế thừa của chúng tôi” - anh Nguyễn Việt An chia sẻ.

Năm 2021, dịch bệnh hoành hành, kinh tế khó khăn, Ô Long Vĩ lại là xã vùng trong của huyện, xoay sở vất vả vô cùng. Thế nhưng, việc vận động Quỹ Hậu phương quân đội của xã rất thuận lợi. Chỉ 22 ngày kể từ khi phát động (ngày 15-12-2021 đến 7-1-2022), địa phương hoàn tất vận động 40 triệu đồng, đạt 100% chỉ tiêu được giao. Nguồn quỹ này giúp chăm lo chính sách hậu phương quân đội được đầy đủ, minh bạch, đúng quy định.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH