Cô gái Chăm và lớp dạy tiếng Anh miễn phí

04/08/2022 - 07:03

 - Với khả năng ngoại ngữ từ khi du học, cùng thời gian công tác tại Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh, chị Sity Hara (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã quyết định mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm ở địa phương. Sity Hara mong được đóng góp cho cộng đồng, giúp các em nâng cao trình độ ngoại ngữ và có thêm được cơ hội học tập tốt hơn.

Lớp học tiếng Anh miễn phí do chị Sity Hara trực tiếp đứng lớp

Lớp học tiếng Anh miễn phí do chị Sity Hara trực tiếp đứng lớp đã mở được hơn 2 tháng. Lớp học thu hút hàng chục học sinh là con em đồng bào DTTS Chăm tại địa phương tham gia. Lớp học diễn ra vào buổi chiều thứ 4, 6 và chủ nhật hàng tuần tại thánh đường Aman (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú). Ngoài mong muốn được đóng góp cho cộng đồng, lớp học tiếng Anh miễn phí của chị Sity Hara còn được truyền cảm hứng từ lớp học tiếng Anh của cô giáo người DTTS Mường ở miền Bắc.

“Bạn đó có một nhóm học sinh nói tiếng Anh rất tốt, bạn thường dẫn nhóm học sinh của mình đi giao lưu nhiều nơi, rất hay. Bởi vậy, tôi cũng muốn cộng đồng DTTS Chăm ở An Giang cũng sẽ có một lớp học như vậy” - chị Sity Hara chia sẻ.

Không dừng lại ở mong muốn và suy nghĩ, chị Sity Hara liên hệ với Giáo cả thánh đường Aman, trực tiếp gặp các thầy, cô giáo đang đứng lớp dạy kinh Qur’an và giáo lý cho các em học sinh vào buổi tối tại thánh đường. Chị Sity Hara chia sẻ rằng, mình sẽ mở một lớp dạy tiếng Anh hoàn toàn miễn phí ngay tại thánh đường, em nào học thì đăng ký. Lớp học sẽ cung cấp thêm nhiều từ vựng mới, dạy kỹ năng giao tiếp, giúp các em hình thành phản xạ nhanh khi giao tiếp tiếng Anh.

Theo chị Sity Hara, hiện nay có một thực tế là học sinh thường giao tiếp bằng tiếng Anh rất chậm. Khi được hỏi bằng tiếng Anh, đa phần các em cần phải có thời gian suy nghĩ, sắp xếp câu từ rồi mới trả lời. Như vậy, rất mất thời gian và giao tiếp không hiệu quả. Tuy nhiên, thông qua việc học từ vựng và rèn luyện được phản xạ tốt sẽ giúp các em nâng cao trình độ giao tiếp của mình. Sau khoảng 2-3 tuần học tiếng Anh, chị Sity Hara sẽ lồng ghép thêm những bài học về đạo đức, chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa, ý thức vươn lên trong cuộc sống…

“Trước đây, đa phần phụ huynh người Chăm chưa coi trọng giá trị của việc học, thường chỉ khuyên các em học để biết chữ, tính toán là được. Thời đại bây giờ đã phát triển, bản thân mỗi người, nhất là các em nhỏ phải nhận thức được giá trị của việc học, chỉ có kiến thức thì cuộc sống mới thay đổi và phát triển. Bởi vậy, thông qua những buổi nói chuyện như thế này, tôi muốn truyền năng lượng tích cực, khuyến khích, động viên các em phải coi trọng việc học, đặc biệt là phải có kỹ năng ngoại ngữ. Như vậy, sẽ dễ tìm được công việc tốt hơn” - chị Sity Hara giải thích.

Thời gian qua, ngoài công việc chính là công tác tại Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh, buổi tối chị Sity Hara còn mở lớp dạy tiếng Anh giao tiếp online (trực tuyến) cho các bạn sinh viên, người đi làm ở nhiều nơi. Thông qua kinh nghiệm từ những buổi dạy online càng giúp Sity Hara thêm tự tin khi đứng lớp, dạy cho các em học sinh ở địa phương.

Trong mỗi buổi dạy, chị Sity Hara đều soạn giáo án, đó là những kiến thức, kỹ năng tích lũy được trong quá trình du học, làm việc thường xuyên với người nước ngoài. Vì các em còn nhỏ, thời gian tiếp cận tiếng Anh chưa nhiều, nên nếu muốn học tốt ngôn ngữ này thì phải giúp các em có được sự yêu thích. Bởi vậy, cách dạy của chị Sity Hara cũng được thiết kế riêng, phù hợp với đối tượng và rất dễ tiếp thu. Đặc biệt, không đặt nặng ngữ pháp hay phát âm chuẩn như người bản xứ, mà tập trung vào phát triển vốn từ vựng, phát âm đúng chuẩn khoảng 80-90% và có được phản xạ nhanh trong giao tiếp là thành công.

Thực sự, thời gian đầu lớp chỉ có khoảng 10 học sinh đăng ký theo học, một phần vì phụ huynh chưa thực sự tin tưởng hiệu quả lớp học mang lại. Tuy nhiên sau khoảng 1 tháng lớp học diễn ra, thấy được sự tiếp thu nhanh, các em học rất vui vẻ nên số lượng đăng ký nhiều hơn. Dù là lớp học miễn phí, nhưng Sity Hara cũng có nhiều quy định riêng cho các em: Phải đi học đúng giờ; khi nghỉ học phải xin phép; trong 1 tháng không được nghỉ quá 3 buổi, vì sẽ không còn theo kịp lớp học; mặc đồng phục, giữ gìn vệ sinh lớp sạch sẽ…

“Tôi dành rất nhiều tâm huyết cho lớp học này, số lượng tham gia ít hay nhiều không quan trọng mà phải đạt chất lượng. Sau khoảng 3-4 tháng học, tôi sẽ đầu tư thêm máy tính xách tay, kết nối qua các ứng dụng để các em thực hành giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài, như vậy sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn nữa” - chị Sity Hara giải thích.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích