Cơ hội cho doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế

06/06/2024 - 14:07

Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mở rộng thị trường là chủ đề Diễn đàn xuất khẩu năm 2024 do Bộ Công Thương phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 6/6.

Chú thích ảnh

Diễn đàn xuất khẩu 2024 - Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế. 

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 là khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Song, với sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 681 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỷ USD. Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có sự phục hồi tích cực. Các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới. Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA đạt 230,5 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

Để đạt được những thành tích nổi bật đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của các hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại với nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam thông tin: Walmart là nhà bán lẻ áp dụng mô hình bán hàng đa kênh lớn nhất thế giới. Mỗi tuần, Walmart ghi nhận hơn 255 triệu lượt ghé thăm thông qua 10.500 cửa hàng, câu lạc bộ và trang web ở 19 quốc gia khác nhau. Không tính Hoa Kỳ, Walmart đảm bảo khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ cho hơn 40% dân số thế giới. Số lượng đối tác liên kết với Walmart trên toàn thế giới đã lên tới hơn 2,1 triệu công ty.

“Việt Nam là một trong những thị trường nguồn cung ứng quan trọng nhất ở châu Á của Walmart. Đội ngũ tìm nguồn cung ứng của Walmart luôn sẵn sàng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường toàn cầu, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc”, ông Aly Ansari nhấn mạnh.

Theo ông Aly Ansari, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm đồ may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng và nhiều mặt hàng khác. Ngoài ra, Walmart cũng tìm kiếm sản phẩm thuộc các danh mục khác như đồ chơi, thực phẩm... từ Việt Nam. 

Walmart nhận thấy tiềm năng ở nhiều danh mục sản phẩm của Việt Nam và mong muốn được hợp tác trên quy mô rộng hơn, khai thác cơ hội tìm nguồn cung ứng với nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn, phục vụ cả mục tiêu xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường của mình trên toàn thế giới. 

Trong khi đó, ông Akiyama Naoki, Giám đốc Vận hành và Giám đốc Tài chính Uniqlo Việt Nam cho biết: Trên thực tế, Fast Retailing (Công ty mẹ của Uniqlo) đã có hơn 20 năm tham gia sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm sản xuất tại không chỉ có mặt tại 23 cửa hàng trong nước mà còn được phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trong mạng lưới toàn cầu của Uniqlo.

Nhiều sản phẩm đòi hỏi quy trình sản xuất tiên tiến như AIRism, UV Parka, Polo, Heattech, Fleece đều được sản xuất tại Việt Nam. Tính đến năm 2024, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam chiếm hơn 60% sản phẩm của Uniqlo tại các cửa hàng trong nước tỷ lệ này đang tiếp tục tăng lên.

“Khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam doanh số bán hàng của chúng tôi tăng lên, tối ưu hóa dòng sản phẩm. Thời gian tới, Uniqlo dự định sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi giá trị nhằm mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng. Bằng cách đồng hành cùng nhau có thể mở rộng kinh doanh và giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.” ông Akiyama Naoki chia sẻ. 

Là một trong những doanh nghiệp sữa Việt Nam đã tiếp cận thị trường xuất khẩu, đại diện Tập đoàn TH cho biết: Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao, TH đã ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản trị và trí tuệ nhân tạođể xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải.

Bên cạnh đó, TH cũng ưu tiên phát triển các sản phẩm tốt cho sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng, an toàn ngày càng cao của khách hàng. Nhờ đó, hầu hết các sản phẩm của TH đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các nước châu Á và cả thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Mỹ. Ngoài sữa tươi tiệt trùng mang thương hiệu TH true MILK thì các sản phẩm sữa hạt, sữa gạo, trà và nước trái cây của TH đang có lợi thế cạnh tranh tốt.

Các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu cũng cho rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đến nay không còn là lựa chọn mà đã trở thành con đường tất yếu đối với các doanh nghiệp. Các khách hàng, nhà đầu tư càng ngày càng đề cao các yếu tố xã hội, môi trường trong đánh giá sản phẩm, dịch vụ khi lựa chọn đối tác đầu tư, thương mại.

Do đó, muốn tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, doanh nghiệp không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của Liên minh châu Âu hay quy định chống phá rừng để đảm bảo sự phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

Theo TTXVN