Có mùa xuân nơi đó

04/02/2024 - 08:15

Thời gian bốn mùa trôi nhanh như gió. Mới hôm nào tôi còn ngồi trong căn nhà cũ ăn mứt gừng, uống trà thơm bên nội; mới hôm nào tôi lang bạt chốn thị thành, vẩn vơ nuối tiếc về những ngày sum vầy se nồng không khí tết; mà nay lại sắp sửa đón một mùa xuân sang. Lòng tôi lâng lâng. Cận tết nên đường phố thơ mộng hẳn, trên con xe nhỏ hằng ngày, tôi vẫn chạy đến cơ quan rồi trở về nhà, tôi thấy tim mình thênh thang. Hoa mai phương Nam đã bắt đầu bung nở. Hoa đào phương Bắc được vận chuyển vào cũng đã hé những nụ búp đầu tiên, làm quen với không khí ấm áp chứ không quá rét như miền Bắc, nhuộm hồng góc phố.

Trong suốt 365 ngày, tết có lẽ là thời điểm được trông đợi nhiều nhất. Bởi đó là ngày khép lại một vòng tròn tất bật, hối hả, mỗi người phải gồng gánh cho tròn vẹn chuyện áo cơm, chuyện mơ ước ấp ủ trong lòng. Đó là ngày mà tôi tạm rời xa thành phố để trở về miền quê dấu yêu, về với nội, trong căn nhà ba gian đã cũ nhưng nội chẳng muốn xây mới. Nơi đó, đong đầy kỷ niệm.

Thư nhắn tin cho tôi trên Messenger, hỏi tôi: “Bao giờ chị về? Nội nhắc hoài. Nội nói chị đi từ tết năm ngoái đến nay chưa về thăm nội...”. Nhận được tin nhắn của Thư, lòng tôi xốn xang. Suốt một năm qua tôi không về thăm nội. Con đường cũ dẫn lối vào làng đôi khi trở thành giấc mơ, thành khao khát của riêng tôi. Con đường nhỏ có hai hàng bằng lăng rợp bóng, đến mùa hoa nở tím ngát, cánh hoa rơi rụng đầy đường. Nội ít khi gọi điện thoại cho tôi, trừ khi nhớ quá nội mới nhờ Thư gọi giúp rồi chen vào màn hình vài giây để nhìn xem tôi làm gì, mập hay ốm, có xanh xao gầy gò như ngày xưa nội vẫn chăm bẵm hay không. Nội nói ở quê bận bịu nên không gọi tôi thường xuyên được. Nói vậy chứ tôi biết nội sợ phiền tôi. Nội hiểu rằng ở thành phố tôi bận trăm công nghìn việc. Để trụ được ở cái nơi đất chật, người đông này chẳng phải chuyện dễ dàng gì.

Tôi nhắn lại cho Thư: “Tết năm nay chắc chị không về được, Thư à!”. Thư thả một “icon” buồn trong đoạn chat. Tôi biết Thư buồn thật, và nội biết tin tôi không về được, nội cũng buồn như hoàng hôn đổ bóng. Nhận được thông báo tôi phải ở lại cơ quan để trực tết, đón tiếp khách, lòng tôi rối bời. Biết phải nói với nội thế nào đây, khi mà suốt một năm qua nội tôi đếm từng ngày, từng giờ, những mong tết đến để tôi trở về thăm nội. Tôi gọi điện thoại cho Thư để nói chuyện cho tiện. Nghe tiếng Thư vang lên, nghe tiếng nội ho khù khụ trong buồng, tiếng con bìm bịp đậu ở ngoài đầu hồi thắt thẻo kêu sương... Tôi nghe như nỗi buồn xâm lấn, bỗng dưng bật khóc. Thư an ủi: “Thôi, chị hai đừng buồn! Năm nay không về được thì năm sau về. Hoặc qua tết, sắp xếp ổn thỏa, chị về chơi với em và nội ít ngày rồi trở lại!”. Tôi gật gù cho Thư an lòng, nhưng biết rằng nội tôi còn đón được bao nhiêu cái tết cùng tôi nữa? Tôi và Thư còn trẻ khỏe, con đường phía trước vẫn còn dài, mùa xuân vẫn còn rộn ràng đón đợi. Còn nội tôi? Nội như chiếc lá úa trên cành, như con nước ròng, như bờ đê nứt nẻ mong manh không biết còn chống chọi nổi một mùa lũ tiếp... Hình ảnh nội bất giác hiện ra trước mắt tôi. Độ lượng và nhân từ. Bao dung và nhân hậu. Và trong mắt nội thẳm sâu một nỗi buồn...

Tôi không thể từ chối sếp. Một nhân viên ưu tú, sắp sửa được sếp thăng chức. Một mức thu nhập không hề thấp - nếu không muốn nói đó là ước mơ của bao người. Ngày ra trường, cầm tấm bằng trên tay, tôi chỉ mong tìm được một chỗ làm ổn định để nuôi thân rồi hằng tháng gửi về cho nội ít tiền tiêu vặt, mua quà bánh. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, cuối cùng tôi cũng tìm được một nơi mà lúc tôi xin vào làm, tỷ lệ “chọi” rất cao. Sếp nhận thấy được năng lực, kỹ năng mềm và tâm huyết của tôi nên đã đồng ý trao cho tôi cơ hội. Từng ấy năm, chưa một lần tôi để sếp mình thất vọng. Sếp nói với tôi, qua tết sẽ cân nhắc thăng chức, bởi tôi xứng đáng được những điều tốt đẹp hơn bây giờ. Tôi vui lắm! Tôi gọi về khoe nội. Nội tôi cũng mừng không kém. Cả đời nội vất vả, lam lũ chỉ mong con cháu nội được hạnh phúc, nên người. Với nội, tôi là tất cả, là niềm tự hào, là hạnh phúc của nội tôi ở cái tuổi xế chiều.

“Không về được thì năm sau về với nội. Nội vẫn ở đây đợi mày về chứ có đi đâu đâu mà lo” - Nội nói với tôi qua điện thoại, giọng nội trầm ấm và trìu mến vô cùng.

Sắp tết, trong nhà có chuyện gì vui Thư cũng chụp ảnh gửi qua Messenger cho tôi xem. Nào là: “Cây mai nhà mình, mấy năm trời không trổ bông, nội tính chặt bỏ, nay ra đầy nụ, xanh mướt”. Nào là: “Hôm qua, em nhờ người đến sửa giúp cái mái trước. Nó xập xệ rồi! Không sửa có mà đổ đi vì một cơn gió”. Tôi nghe không ngớt. Hình bóng quê hương hiện hình trong tâm tưởng của tôi. Tôi nhớ những mùa tết năm xưa. Hồi đó vui lắm! Nội phải chắt chiu lắm mới mua được cho chị em tôi mấy bộ đồ, giày dép, kẹp tóc mới, còn bộ đồ nội mặc vẫn là chiếc áo bà ba vá chằng, vá đụp. Hồi đó nghèo lắm. Tết đến, trong nhà có nồi thịt kho, có mấy đòn chả lạnh, có hũ dưa kiệu, có tô khổ qua dồn thịt... là hạnh phúc lắm rồi! Giờ tôi có thể kiếm được nhiều tiền, những thứ đó không còn là điều xa vời nữa, ấy vậy mà không vui bằng. Tôi thích ngày xưa hơn. Ngày ấy, tôi chẳng có gì cả, nhưng tôi có nội kề bên. Nội yêu thương tôi vô bờ. Chiều chiều nội kêu hai chị em tôi ra bờ sông trước nhà xõa tóc ra để nội chải chuốt cho mượt. Bên kia sông, cuối đông, những vạt hoa cải lấm tấm vàng.

Tết ở thành phố cái gì cũng có, nhưng tôi nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy bóng dáng quê nhà. Thấy ai đó đi ngoài đường mà lưng còng, tóc bạc tôi cũng nhớ đến nội tôi. Đêm qua tôi hỏi Thư: “Lớn rồi, em cảm nhận như thế nào về tết?”. Thư vốn là dân văn vẻ, nhưng hỏi đến đó, bao nhiêu chữ nghĩa của Thư cũng bay mất. Thư chỉ đáp gọn, nhưng ngậm ngùi: “Tết... Em cũng không thể định nghĩa một cách thỏa đáng. Chắc là, còn nội mình là còn tết”. Tôi cắn môi, kìm nén dòng cảm xúc dâng tràn. Đêm càng sâu, lòng tôi càng bời bời. Giữa thành phố đông người, tự dưng tôi thấy mình chênh chao và cô đơn vô bờ...

Ngày cuối cùng của năm cũ nhưng đường phố không đông đúc như mọi khi. Tôi hiểu rằng, khi người ta càng lớn lên, người ta không còn tha thiết những chuyến đi xa, hoặc đi vì khát khao, hoặc đi vì trách nhiệm. Con đường mà mỗi người thương mến nhất chính là con đường về nhà. Đường quê quanh co. Sông dài uốn lượn. Mái nhà có xiêu vẹo vẫn là tổ ấm thiêng liêng mà người ta nhớ suốt một đời. Và với tôi, nơi bình yên nhất chính là nơi có nội...

Về thôi! – Tôi nghĩ vậy. Biết rằng ai cũng có ước mơ, khát vọng, thậm chí là tham vọng. Nhưng quan trọng hơn hết là hiện tại trước mắt! Hạnh phúc đâu phải được tính bằng sự thành công trong sự nghiệp, hay bằng khoản thu nhập hằng tháng, bằng chức vị, bằng sự ngợi ca từ những người xung quanh? Hạnh phúc đơn giản là mình được nghe tiếng nói, tiếng cười của những người thân yêu, của ông bà, cha mẹ mình. Là biết rằng thời gian không bỏ sót một ai, nhưng làm sao để người già được sống trong niềm vui, niềm hạnh phúc, trong ấm áp và đủ đầy.

Tôi nhắn cho Thư: “Thư ơi, đợi chị nha! Tết này chị về!”. Thư ngạc nhiên gọi điện cho tôi, hỏi tôi về cái quyết định chóng vánh ấy. Tôi chỉ trả lời Thư một câu rằng: “Mất việc, chị có thể tìm lại. Chứ để lỡ mất một mùa xuân cùng nội, chị sẽ ân hận cả cuộc đời”. Thư im lặng. Tôi biết em đủ trưởng thành để hiểu lời tôi...

Tôi về.

Nhà nội - căn nhà ba gian nằm yên bình cuối con đường có hoa bằng lăng tím ngát. Mùa xuân, hoa bằng lăng không nở. Thay vào đó, hàng mai tứ quý đã đơm hoa. Năm nay hoa nở đầy hơn năm ngoái. Ngày xưa nội tôi hay nói, năm nào mà mai nở rộ là năm đó may mắn vẹn tròn. Tôi lặng lẽ bước đi qua hàng mai thơm nức. Căn nhà im thinh. Tôi cất tiếng gọi khe khẽ: “Nội ơi! Nội ơi!”. Không ai đáp lại. Tôi rón rén đi ra sau nhà. Trong gian bếp, tôi bắt gặp hình ảnh thân thương - là nội tôi, đầu quấn khăn, trong bộ áo bà ba đã nhuốm màu sương nắng. Nội đang cặm cụi nấu mấy món truyền thống mà người ta vẫn hay nấu cúng tổ tiên mỗi độ xuân về. Tôi chạy đến ôm nội từ phía sau.

Nội tôi sững sờ, nhưng rồi nhanh chóng ôm tôi vào lòng. Vòng ôm của nội luôn là vòng ôm ấm áp nhất của tôi.

Tôi nghe đâu đây mùi dầu gió thơm thơm của nội. Mùi hương ấy đưa tôi về những năm tháng xa xưa, hai chị em mỗi đứa nằm một bên, nghe nội kể chuyện, nghe nội hát. Từ những lời ấy, chúng tôi lớn lên, tâm hồn rộng mở, chan chứa yêu thương và bao giờ cũng nghĩ về quê hương nguồn cội dẫu đôi chân có lang bạt đến bất cứ phương nào.

Và với tôi lúc này, tôi đã được sống trong không khí bình yên của quê nhà, trong căn nhà ba gian ấm áp và ngập tràn yêu thương. Dẫu ngoài kia có khó khăn, giông bão, chỉ cần bấy nhiêu đây là tôi đã thấy cuộc đời mình hạnh phúc đong đầy!

Theo Báo Thừa Thiên Huế