Cô Huỳnh Thị Kính tận tình, trách nhiệm với công việc
Với sự năng động, sáng tạo, khả năng tập hợp phụ nữ, cô Huỳnh Thị Kính luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên, người cán bộ hội tiêu biểu, làm tốt vai trò tập hợp, thu hút hội viên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động hội, đưa Chi hội Phụ nữ ấp Đông Bình Trạch ngày càng phát triển. Đồng thời, cô còn là tấm gương sáng về xây dựng gia đình hạnh phúc.
Với trách nhiệm và tâm huyết, đôi chân cô Huỳnh Thị Kính đã thân thuộc với từng con đường, ngõ hẻm của ấp Đông Bình Trạch. Người dân địa phương cũng quen hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi đội nón lá, chạy trên chiếc xe đạp lạch cạch thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các chị em, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tích cực vận động phụ nữ tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. “Chính sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, đã giúp cô Kính thuyết phục hội viên tin tưởng, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do hội phát động” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Thành Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết.
Cô Huỳnh Thị Kính chạy xe đạp đi tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ người dân
Học và làm theo Bác về “gần dân, sát dân”, cô Kính luôn gắn bó với hội viên, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư và hoàn cảnh sống của từng hội viên trong ấp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Cô luôn tạo điều kiện để hội viên chia sẻ buồn vui, cùng nhau xây dựng tốt cuộc sống gia đình.
Cô Kính tâm sự: “Lúc nào trên địa bàn dân cư xảy ra các tình huống phát sinh hay khi chị em cần là tôi có mặt kịp thời, bất kể sáng hay tối, mưa hay nắng. Tôi cùng tổ hòa giải của hội phụ nữ và chính quyền địa phương phối hợp hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa vợ - chồng, hàng xóm...”.
“Có lẽ, tôi lớn tuổi lại tên Kính nên mọi người cũng tôn trọng nói chuyện, khuyên nhủ bà con lại nghe… thế là “cơm lành canh ngọt” trở lại. Quan trọng là biết cách ứng xử và lắng nghe để khéo léo, mềm dẻo mới làm tốt công tác thuyết phục. Bác Hồ đã dạy “Gia đình tốt thì xã hội tốt - hạt nhân của xã hội là gia đình”, nên mình đình mọi người hòa thuận, hạnh phúc là giúp xã hội ngày càng tốt hơn” - cô Kính chia sẻ.
Ấp Đông Bình Trạch là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, bản thân là người DTTS Khmer nên hơn ai hết, cô Kính hiểu rất rõ phụ nữ đồng bào DTTS vẫn còn nhiều người phải vất vả công việc đồng áng và ảnh hưởng bởi quan niệm lạc hậu. Bởi thế, cô rất tích cực động viên chị em tham gia các công tác xã hội, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, giao lưu học hỏi để phát triển kinh tế. Cô Kính còn vận động thành lập câu lạc bộ (CLB) phụ nữ DTTS Khmer ấp Đông Bình Trạch do cô làm chủ nhiệm. Hơn 10 năm thành lập, CLB đã kết nạp 88 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Cô Kính bộc bạch: “Tôi rất tâm huyết với CLB, vì khi sinh hoạt, phụ nữ DTTS chia sẻ với nhau những kinh nghiệm sống, cách thức sản xuất, chăn nuôi hiệu quả và cùng nhau giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, thông qua những điệu múa, bài hát…”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cô Huỳnh Thị Kính tích cực vận động hội viên, phụ nữ gương mẫu thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Cô Huỳnh Thị Kính thăm mô hình chăn nuôi của hội viên phụ nữ địa phương
Theo đó, cô Kính cùng Chi hội Phụ nữ ấp Đông Bình Trạch xây dựng nhiều mô hình thiết thực giúp đỡ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, tạo mọi điều kiện để phụ nữ làm chủ hộ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, với các mô hình như: “Heo đất tiết kiệm”, “Hùn vốn xoay vòng”… Các hoạt động giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ luôn được cô quan tâm.
Nhờ sự giới thiệu, hỗ trợ nguồn vốn vay chi hội phụ nữ, gia đình chị Nguyễn Thị Trúc Giang đã vượt qua khó khăn, chăn nuôi heo hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo. Chị Giang chia sẻ: “Trước đây, gia đình gặp nhiều khó khăn, chi phí sinh hoạt gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ công việc hớt tóc của chồng. Nhờ được cô Năm Kính giới thiệu vay vốn để chăn nuôi heo nên cuộc sống gia đình tôi tốt hơn trước nhiều”.
Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nên cô Kính thấu hiểu với những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số Khmer, nên cô Kính luôn là người hăng hái tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Ngoài tự nguyện đóng góp, cô còn tích cực vận động các nhà hảo tâm, giúp đỡ, tặng quà các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, tham gia vận động xây dựng nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết..., nhằm chia sẻ, giúp họ giảm bớt gánh nặng và động viên giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”.
Cô Kính cho biết, thấy được việc làm của cô có ý nghĩa, giúp đời, giúp người, nên chồng và các con đồng tình ủng hộ... “Từ sự kính trọng, học tập những đức tính giản dị của Bác Hồ, tôi đã đúc kết ra một nguyên tắc làm việc theo lời Bác, đó là: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, không bao giờ nề hà. Bà con vui, thì mình cũng vui; bà con hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc...” - cô Kính chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Phạm Thị Bé Tư nhận xét, cô Huỳnh Thị Kính là cán bộ phụ nữ năng động, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và là gương điển hình tiêu biểu trong công tác hội, phong trào phụ nữ ở địa phương được các hội viên, phụ nữ tin yêu, tín nhiệm. Cô chính là “cánh tay nối dài” của hội trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trên địa bàn thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm để dần tiến tới mục tiêu bình đẳng giới với phụ nữ và trẻ em. Không chỉ giỏi việc nước, cô Kính còn là người vợ, người mẹ đảm việc nhà, là tấm gương tiêu biểu để nhiều chị em học tập, làm theo.
Ngoài công tác xã hội, công tác hội, cô Huỳnh Thị Kính luôn làm tròn nghĩa vụ người vợ, người mẹ. Cô tự hào về hạnh phúc của gia đình, khi các con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; các thành viên trong gia đình hòa thuận, biết chia sẻ công việc, những khó khăn và niềm vui trong cuộc sống. |
TRUNG HIẾU