Giữa đêm khuya tĩnh lặng, khi thành phố dần chìm vào giấc ngủ, ở một góc nhỏ đường Tôn Đức Thắng (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), vị thịt khìa hòa quyện với hạt cơm tấm nóng hổi, tỏa mùi thơm đặc trưng, lôi cuốn chiếc bụng đói của nhiều người. Đó là cơm tấm “âm phủ”, ra đời và tồn tại hàng chục năm giữa lòng phố thị. Thế nên, dĩa cơm tấm thịt khìa ấy không chỉ là món ăn đơn thuần mà còn là một phần ký ức tuổi thơ của nhiều người.
Cơm tấm nửa đêm
Bà Trương Thị Hoàng (sinh năm 1963, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), chủ quán cơm “âm phủ” cười tươi khi thấy tôi đến. “Lần đầu đến ăn cơm tấm à?”. Tôi còn đang loay hoay tìm chỗ ngồi, bà Hoàng tiếp lời: “Lao động thu nhập thấp ở các chợ đầu mối thức khuya, dậy sớm hay đến đây ăn, nên ai quen, ai lạ, nhìn một cái, tôi biết liền hà!”. Cắn một miếng thịt khìa mềm tan, từng thớ thịt ngấm đều gia vị, kết hợp cùng hạt tấm nóng hổi, tôi cảm nhận được sự ấm áp lan tỏa khắp cơ thể trước cái lạnh của màn đêm bao phủ. Thật ra, để ăn được món cơm tấm “âm phủ” nổi tiếng này, tôi “hụt” mấy lần rồi. Có lần thì đến trễ, cơm đã hết; lần khác thì đi vào ngày bà chủ nghỉ, đành ngậm ngùi đi về.
Cơm tấm “âm phủ” được thực khách xa, gần ưa thích
Màn sương buông, thành phố dần chìm vào giấc ngủ. Chỉ còn lại những âm thanh khẽ khàng của đêm: Tiếng mưa rơi lất phất ngoài hiên, tiếng đồng hồ tích tắc đều đều… Trong không gian tĩnh lặng ấy, quán cơm tấm “âm phủ” trở thành điểm sáng ấm áp. Ánh đèn vàng nhạt hắt lên những bức tường rêu phong, tạo nên một không gian vừa quen thuộc, vừa bí ẩn. Tiếng tí tách của than hồng đang bập bùng ánh lửa, mùi thơm lừng của thịt khìa hòa quyện với hương gạo tấm mới, tất cả tạo nên một “bản giao hưởng” quyến rũ. Có lẽ, “âm phủ” không chỉ là một tên gọi mà còn là một ẩn dụ về sự đối lập giữa thế giới bên ngoài ồn ào và không gian yên bình, ấm cúng nơi đây.
Nói là quán, chứ thật ra đây chỉ là góc đường nhỏ, được bà Hoàng bày chiếc xe đẩy. Tủ kính nhỏ trên xe được sắp xếp thịt khìa, hột vịt, gia vị một cách gọn gàng, đẹp mắt. Chủ quán dọn bán vào khung giờ rất đặc biệt, từ 2 giờ đến 6 giờ sáng. Thương hiệu cơm tấm “âm phủ” cũng vì thế mà ra đời. Điểm đặc biệt hơn, quán không có bàn để ăn, khách đến thường ngồi trên ghế nhựa, cầm dĩa thức ăn trên tay.
“Tôi đến đây không phải để tìm một không gian sang trọng, mà là để tìm một góc yên bình giữa cuộc sống hối hả. Quán chỉ đơn giản là vài chiếc ghế nhựa kê sát tường. Khi dĩa cơm tấm nóng hổi được trao tay, khách tự chan nước mắm, lấy dưa chua, ăn xong tự lấy nước trà uống rồi trả tiền. Chính sự mộc mạc, giản dị ấy đã tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho cơm tấm “âm phủ”. Mỗi khi đi công tác xa, tôi thường dậy thật sớm để ghé ăn dĩa cơm “âm phủ” cho vững bụng. Cơm bán lâu đời rất ngon, giá rẻ nên mỗi lần có bạn bè ở xa về thăm, tôi đều dẫn họ đi ăn cơm nơi đây” - anh Phan Tấn Lộc (35 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) tâm sự với tôi trong cái lạnh của tiết trời giao mùa.
Bà Hoàng (chủ quán cơm tấm) cười khà khi nghe tôi hỏi về cái tên “âm phủ”. “Ban đầu cũng thấy lạ, sao lại gọi món ăn của mình là vậy. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, cái tên đó giúp quán mình được nhiều người biết đến. Khách đến ăn cũng tò mò, rồi truyền miệng cho nhau. Tôi không biết ai là người đầu tiên gọi món ăn của mình là “âm phủ”. Có lẽ vì quán mở cửa lúc nửa đêm, trong không khí tĩnh lặng nên mọi người mới nghĩ ra cái tên đó chăng? Dù sao thì cái tên này cũng trở thành thương hiệu của quán rồi” - bà Hoàng bộc bạch.
Cơm tấm của những người lao động
Theo bà Hoàng, ngoài cái tên cơm tấm “âm phủ”, có người còn gọi là cơm tấm “ma”. Thế nhưng, trái ngược với tên gọi, dù mở bán vào khung giờ rất khuya nhưng khách đến ăn vẫn rất nhộn nhịp. Cao điểm của quán rơi vào thời điểm 3 - 4 giờ sáng. Lúc đó, bà Hoàng hầu như không có cơ hội chuyện trò với khách, chỉ biết cặm cụi xới cơm, cho vào dĩa, xắt thịt, bày trí hột vịt, rưới thêm ít mỡ hành… vậy mà cũng bở hơi tai.
Góc bên cạnh, tôi nghe tiếng hai anh công nhân đang trò chuyện. “Mệt quá, kiếm chỗ ngồi nghỉ chân thôi. Mà có chỗ nào bằng quán này, vừa rẻ vừa ngon. Ăn xong có sức để làm tiếp”. Một anh công nhân khác gật gù đồng ý: “Thời buổi vật giá đắt đỏ, để ăn dĩa cơm tấm nhiều thịt, no bụng như thế này mà giá chỉ 15.000 đồng thì chỉ có nơi đây!”. Cách đó không xa, bà Hoàng vẫn thoăn thoắt đôi tay xắt thịt, hột vịt, để khách không phải chờ đợi lâu.
“Quán cơm đa phần phục vụ người dân lao động tại các khu chợ đầu mối. Đây là khung giờ họ làm việc để vận chuyển nông sản về các khu chợ nhỏ. Vì thế, giá cơm tấm của quán cũng rất bình dân, 10.000 - 15.000 đồng/dĩa. Nhưng không vì giá rẻ mà bán cẩu thả, từng miếng thịt, hạt tấm vẫn được tôi chăm chút, chế biến cẩn thận. Mấy mươi năm qua, giá bán không thay đổi, dù vật giá có “leo thang”. Tôi cho rằng, mình bán lời ít một chút nhưng giúp được nhiều lao động khó khăn no lòng” - bà Hoàng tâm niệm.
Tâm sự với chúng tôi khi đang dọn quán, bà Hoàng cho biết, quán cơm tấm “âm phủ” được truyền qua 2 đời. Bà là người nối nghiệp mẹ mình. Thấm thoắt đã hơn 40 năm từ ngày thay mẹ đứng bán, bà Hoàng luôn giữ hương vị xưa qua từng dĩa cơm nhỏ. Bà dặn dò các cháu rằng, sau này có tiếp nối bán thì phải giữ giá rẻ để người lao động được no bụng.
Nếu bạn đã ăn cơm tấm Long Xuyên thì cơm tấm “âm phủ” của bà Hoàng cũng mang hương vị như thế. Cơm tấm nhuyễn ăn cùng thịt khìa, trứng kho thái nhỏ kèm với đồ chua tạo nên đặc sản trứ danh. Với cơm tấm “âm phủ”, cọng bì cũng được xắt nhỏ. Phần trứng kho có màu gạch đẹp mắt, thấm gia vị, được bà Hoàng chế biến rất kỳ công. Không bật mí nhiều bí quyết, bà Hoàng chỉ chia sẻ vài điều, như: Nước khìa thịt phải là nước dừa khô, khìa với lửa liu riu để thấm dần gia vị và mềm, thơm ngọt ở đầu môi. Trứng vịt cũng vậy, phải khìa qua với nước thịt để tăng thêm hương vị. Chưa hết, cơm được nấu từ tấm, phải là lửa than để hạt cơm tơi xốp và thơm.
“Cầm dĩa cơm tấm thịt khìa nóng hổi, tôi cảm thấy lòng mình bình yên đến lạ. Hương vị đậm đà của món ăn như xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan trong cuộc sống. Đó không chỉ là một bữa ăn mà còn là một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời. Vì trong không gian yên tĩnh này, tôi có cảm giác như thời gian đang trôi chậm lại, cho phép tôi thả hồn vào hương vị của dĩa cơm, cảm giác thật khó tả” - anh Minh Tuấn (khách đến từ TP. Cần Thơ) chia sẻ cảm nhận lần đầu thưởng thức cơm tấm “âm phủ”.
PHƯƠNG LAN