Đau tay nhưng phải thông mạch vành
Vừa qua, Đơn vị tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP.HCM) đã tiếp nhận một bệnh nhân 60 tuổi, đi khám vì đột ngột đau 2 cánh tay.
Theo mô tả của người bệnh, cơn đai lan từ vai xuống đến bàn tay, cảm giác đau chói, khó vận động, đi kèm với tình trạng vã mồ hôi và mệt nhiều. Tại phòng cấp cứu, bệnh nhân tỉnh táo, không đau ngực, không khó thở, vẫn còn đau 2 cánh tay, mức độ 8/10.
Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân đã có vài lần đau tương tự nhưng cơn đau chỉ kéo dài 3-5 phút rồi tự hết. Riêng lần này, cơn đau kéo dài trên 60 phút. Người bệnh có tiền sử hút thuốc lá nhiều. Kết quả điện tâm đồ ghi nhận có dấu hiệu thiếu máu cơ tim lan tỏa ở nhiều vùng chuyển đạo, do đó bệnh nhân được hội chẩn và tiến hành chụp mạch vành cấp cứu.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy động mạch vành trái bị bán tắc ngay từ lỗ xuất phát. Ê-kíp tiến hành can thiệp tái thông động mạch vành cho người bệnh. Tình trạng đau và yếu 2 tay của bệnh nhân cải thiện ngay lập tức rồi hoàn toàn hết triệu chứng.
Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. Ảnh: GL.
Trước đó, một bệnh nhân nữ 59 tuổi cũng được điều trị tại Đơn vị tim mạch can thiệp vì nhồi máu cơ tim với dấu hiệu không đặc trưng: đau đầu. Bệnh nhân có tiền căn đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp, sỏi thận. Bà bị đau đầu liên tục kéo dài hơn 8 tiếng, kèm theo buồn nôn và nôn ói nhiều lần.
Thời diểm vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, huyết động ổn định, độ bão hoà oxy máu bình thường, không sốt, không đau ngực, không khó thở, nhịp tim đều. Kết quả chụp CT scanner sọ não không ghi nhận hình ảnh xuất huyết não hay bất thường nào khác.
Tuy nhiên, hình ảnh điện tim đồ tại Khoa Cấp cứu giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp mạch vành cấp cứu cho thấy người bệnh bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải, hẹp nặng động mạch vành trái. Sau khi được can thiệp tái thông mạch vành bị tắc, tình trạng đau đầu của bệnh nhân cải thiện rõ, giảm dần và chấm dứt hoàn toàn.
Các bác sĩ cho biết biểu hiện điển hình của nhồi máu cơ tim cấp là đau ngực sau xương ức và lan ra cánh tay trái. Tuy nhiên, đôi khi vẫn gặp bệnh nhân có dấu hiệu không điển hình như khó tiêu, đau răng, đau mặt, đau đầu, rối loạn tri giác, đau vai, đau lưng, đau tay...
Nguy hiểm nếu bỏ sót dấu hiệu không điển hình
Một nghiên cứu cho thấy có khoảng 6% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có triệu chứng đau đầu kèm theo đau ngực. Còn triệu chứng đau đầu xuất hiện duy nhất của nhồi máu cơ tim là một tình trạng rất hiếm gặp.
Theo các bác sĩ, việc chẩn đoán thường bị bỏ sót nếu những triệu chứng không điển hình của nhồi máu cơ tim cấp xuất hiện độc lập, không đi kèm với dấu hiệu đau ngực. Hậu quả là có thể chậm trễ trong điều trị, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Những bệnh nhân lớn tuổi, nữ giới, bệnh nhân đái tháo đường lâu năm có biến chứng thần kinh, bệnh thận mạn... thường có biểu hiện không điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.
Dấu hiệu đặc trưng của nhồi máu cơ tim là cơn đau ngực trái. Ảnh: GL.
Theo bác sĩ Trần Nhân Nghĩa, Trưởng đơn vị tim mạch can thiệp, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng bệnh lý cấp cứu có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiện nay, sự phát triển của chuyên ngành tim mạch can thiệp, đặc biệt là kỹ thuật can thiệp mạch vành cấp cứu, đã góp phần làm giảm được đáng kể tỷ lệ tử vong của nhồi máu cơ tim, cải thiện được tiên lượng sức khoẻ của người bệnh về lâu dài.
Tuy nhiên, việc điều trị sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều nếu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đến bệnh viện muộn trên 12 tiếng hoặc sau 24 tiếng kể từ khi có triệu chứng khởi phát đầu tiên. Kết quả sau cùng chưa hẳn đã như mong đợi.
Do đó, mỗi người dân phải thường xuyên lưu ý các dấu hiệu cảnh báo, phải đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và phát hiện sớm tình trạng nhồi máu cơ tim cấp để được điều trị thích hợp.
Ngoài ra, cần phòng bệnh bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, hạn chế rượu bia, tuyệt đối không hút thuốc lá. Thường xuyên đi khám bệnh định kỳ, tuân thủ đúng các phác đồ điều trị của bác sĩ, kiểm soát tốt các bệnh lý nền như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành mạn…
Theo Vietnamnet