Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn

20/05/2022 - 07:08

 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. Đây là một bài viết rất quan trọng, không chỉ trực tiếp phản bác những quan điểm sai lầm, phiến diện, thù địch về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, mà còn khẳng định: Sự lựa chọn của Đảng ta về con đường đi lên CNXH ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn, vừa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, vừa phù hợp với quy luật khách quan.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn

Bài viết được công bố, trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình lèo lái, cắt cúp, sử dụng ngôn ngữ vừa kích động, vừa mị dân, dẫn dắt có chủ ý. Chúng không chỉ xuyên tạc nội dung bài viết của Tổng Bí thư, mà sâu xa hơn là âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thổi phồng những hạn chế trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế… để gây hoang mang, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu diễn ra gần 30 năm, nhưng các phần tử cơ hội, phản động, xét lại vẫn coi đây là cái cớ không gì thuyết phục hơn để tiếp tục phủ nhận chủ nghĩa Mác nói chung, lý luận về CNXH nói riêng. Ở Việt Nam, không ít người hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã xuất hiện những tư tưởng cơ hội đòi xét lại chủ nghĩa Mác, phủ nhận sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì họ cho rằng, CNXH ở Liên Xô sụp đổ nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển đất nước theo con đường XHCN. Những tư tưởng đó là biểu hiện của xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ mà Đảng ta luôn nhắc đến trong những năm gần đây.

Để tiếp tục kiên định con đường đã chọn, thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần hiểu đúng bản chất vấn đề lý luận, thực tiễn về CNXH, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam theo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, thấu triệt nguyên tắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự thật không thể phủ nhận, được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư.

Tính ưu việt của CNXH được Tổng Bí thư khẳng định trong bài viết: “Xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”… là hoàn toàn phù hợp lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư không chỉ trả lời rất rõ, lập luận sắc sảo về những nội dung đã nêu ra, mà còn khẳng định: Việt Nam quá độ lên CNXH là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Việc đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại, cho nên càng khó khăn, phức tạp. Nhất thiết phải trải qua thời kỳ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới… Đây chính là gắn lý luận với thực tiễn, không hề mơ hồ, càng không ảo tưởng như các luận điệu thù địch xuyên tạc.

Bên cạnh đó, trong bài viết, Tổng Bí thư còn khẳng định những thành tựu của chủ nghĩa tư bản là không thể phủ nhận: “Chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ”… Tuy nhiên, khi quá độ lên CNXH, Việt Nam chỉ bỏ qua những mặt hạn chế của chủ nghĩa tư bản, như: Áp bức, bất công, bóc lột…; không bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa.

Cuối bài viết, Tổng Bí thư chỉ ra những hạn chế cần phải khắc phục, như: Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; khoảng cách giàu nghèo gia tăng; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ CNXH ở Việt Nam.

Việc Tổng Bí thư khẳng định: “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; đồng thời, kết luận rằng vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng; sự kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân chính là nguồn sức mạnh sâu xa, cội nguồn của thắng lợi và sự phát triển…

M.T