Công dụng ít người biết của sầu riêng

13/06/2023 - 14:32

Không chỉ cơm sầu riêng có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, theo Đông y, nhiều bộ phận khác của cây như rễ, lá, hạt cũng được dùng để chữa bệnh.

Tôi mê món sầu riêng. Khi mang thai, tôi chỉ nghén loại quả này, lúc nào cũng có cảm giác “nghiện”, ăn xong thấy đã khát. Bác sĩ tư vấn giúp tôi ăn sầu có tốt không vì nó ngọt. Xin cảm ơn! (Lê Thanh Vân, Tân Bình, TP.HCM)

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn:

Sầu riêng rất giàu chất dinh dưỡng, trong 100 gram sầu riêng chứa 147 calo, carbohydrate 27,1g, protein 1,47g, chất béo 5,33g, chất xơ 3,8g, citamin và các khoáng chất. Múi sầu riêng trung bình khoảng 250g sẽ cung cấp khoảng 367 calo. Bên cạnh đó, sầu riêng còn chứa các hợp chất thực vật có lợi như carotenoids, anthocyanin, polyphenol và flavonoid, là những hợp chất có đặc tính chống oxy hóa.

Tác dụng dược lý của sầu riêng:

Thứ nhất, cải thiện tâm trạng: Sầu riêng chứa axit amin tryptophan giúp sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin, tạo cho ta cảm giác hạnh phúc, bình tĩnh và thư giãn, cải thiện tâm trạng sau khi ăn sầu riêng. 

Thứ hai, cải thiện tiêu hóa: Sầu riêng chứa một lượng lớn chất xơ, cả hòa tan và không hòa tan, có thể ngăn ngừa các vấn đề về dạ dày như táo bón, đầy hơi, chướng bụng. Nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ có thể thúc đẩy giảm cân vì nó giúp cảm thấy no hơn sau khi ăn nên sẽ không ăn vặt nhiều. Nhưng sầu riêng cũng có nhiều calo, ăn lượng quá nhiều sầu riêng có thể làm dư thừa calo so với lượng cần thiết, lại gây tăng cân, tích tụ mỡ, khó tiêu và đầy bụng.

Sầu riêng tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn nhiều gây thừa calo, tăng cân. 

Thứ ba, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Sầu riêng chứa lượng kali cao, tốt cho quá trình lưu thông máu, tốt cho người huyết áp cao. Các hợp chất thực vật có trong sầu riêng có tác dụng giảm mức cholesterol, ngăn chặn các tình trạng xơ cứng động mạch nên làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan do tích tụ chất béo trong gan.

Thứ tư, điều hòa lượng đường trong máu: Sầu riêng có chỉ số đường huyết thấp. Do đó, sau khi ăn sầu riêng, lượng đường trong máu không tăng nhanh. Ngoài ra, lượng chất xơ cao trong sầu riêng giúp làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate. Các chất xơ tích tụ trong ruột và ngăn chặn sự hấp thụ carbohydrate và đường. Do đó, nó ngăn chặn sự tăng đột biến của lượng đường trong máu. Điều này có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường để điều chỉnh lượng đường trong máu.

Thứ năm, giảm nguy cơ ung thư: Các gốc tự do trong cơ thể là nguyên nhân chính dẫn tới hình thành và phát triển các tế bào ung thư trong cơ thể. Sầu riêng có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp loại trừ các gốc tự do ra khỏi cơ thể, làm giảm nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu cho thấy tiềm năng của chiết xuất của trái sầu riêng có thể tiêu diệt tế bào ung thư vú.

Thứ sáu, tăng cường khả năng miễn dịch, cải thiện sức khỏe làn da: 100g sầu riêng đáp ứng 24% lượng Vitamin C được khuyến nghị hằng ngày, giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, giúp bạch cầu hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, vitamin C còn giúp tăng sản xuất collagen, tốt cho da, tóc, móng. Vitamin C cùng với các chất chống oxy hóa trong sầu riêng giúp cường sức khỏe làn da và giảm thâm, mờ nám.

Trong Đông y, sầu riêng có tính vị, công năng như sau: Vỏ quả có vị đắng, tính ấm, có tác dụng tiêu thực, liễm hãn, ôn phế chỉ khái, nếu sao đen có thể dùng cầm máu. Thịt quả có vị ngọt, tính ấm.

Công dụng: 

- Quả sầu riêng vừa là một quả ngon, bổ, lại là một quả ăn có tác dụng kích thích sinh dục. 

- Rễ và lá còn dùng làm thuốc chữa sốt và chữa bệnh về gan, da vàng. Ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc sắc. Lá dùng dưới dạng nấu nước tắm cho những người vàng da do bệnh gan.

- Hạt sầu riêng rang lên hay nấu chín ăn được, có thể làm thành kẹo, mứt.

- Sầu riêng có thể được ăn trược tiếp như trái cây tráng miệng, hoặc chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như kem, chè, xôi, sinh tố, bánh crepe sầu riêng.

Những lưu ý khi ăn sầu riêng:

Ăn quá nhiều sầu riêng có thể gây chướng bụng, táo bón, đầy hơi và đầy hơi. Khẩu phần khuyến nghị cho sầu riêng trong một ngày cho người bình thường là khoảng 4 múi. Tuy nhiên, nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy ngừng ăn sầu riêng và hỏi ý kiến ​​bác sĩ.

Người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn sầu riêng, ăn lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều, mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 1-2 múi và cần chú ý lượng carbohydrate tiêu thụ vào mỗi thời điểm, cùng với chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.

Không kết hợp sầu riêng với rượu, nó có thể dẫn đến nôn mửa, đau đầu và các phản ứng không mong muốn khác. Người bị suy thận, người đang chạy thận nhân tạo không nên ăn sầu riêng.

Bạn cần ăn với lượng vừa đủ, mua sầu riêng nơi có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Theo Vietnamnet