Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Xiaogan, Hồ Bắc quan sát hình ảnh chụp CT phổi của bệnh nhân nhiễm virus Corona. Ảnh: AFP
Tờ Bloomberg đưa tin từ những báo cáo gần đây về cách thức virus 2019-nCoV lây lan và gây tổn thương cho người bệnh, một bức tranh đang được khắc họa về mầm bệnh mới – tác động chủ yếu là thể nhẹ, song đôi khi không thể lường trước là sẽ khiến người bệnh tử vong ở tuần thứ hai nhiễm virus. Trong chưa đầy ba tháng bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, COVID-19 đã lây nhiễm cho gần 77.000 người, đa số ở Trung Quốc, và khiến hơn 2.200 người tử vong.
“Dù được kiểm soát hay không, dịch bệnh này nhanh chóng trở thành đại dịch thực sự đầu tiên phù hợp với dạng bệnh X”, Tiến sĩ Marion Koopmans, Trưởng khoa Khoa học Virus tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus tại Rotterdam và là thành viên của Ủy ban Khẩn cấp tại WHO viết trên tạp chí Cell hôm 19-2.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ cho biết COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc này hiện đã lan đến trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số người nhiễm virus ngay tại cộng đồng địa phương và không có mối liên hệ nào với Trung Quốc.
Bà Nancy Messonier, Giám đốc Trung tâm Bệnh về hô hấp và miễn dịch Quốc gia Mỹ phát biểu với các phóng viên ngày 21-2: “Chúng tôi chưa ghi nhận tình trạng lây nhiễm cộng đồng tại Mỹ, song nó rất có khả năng xảy ra”.
Không giống SARS, cùng họ virus với COVID-19, chủng Corona mới nhân bản ở mật độ cao trong mũi và cổ họng giống như cảm lạnh thông thường và xuất hiện khả năng lây truyền từ những người không hoặc chỉ có triệu chứng mắc bệnh thể nhẹ. Điều đó khiến việc kiểm tra thân nhiệt là không đủ để kiểm soát người mắc bệnh như thời dịch SARS 17 năm trước.
Ví dụ, một ổ dịch gia đình đặc biệt sống ở thành phố An Dương (Trung Quốc) được cho là đã hình thành sau khi một phụ nữ 20 tuổi mang virus Corona trở về từ tâm dịch Vũ Hán ngày 10-1 và truyền nhiễm cho người thân dù bản thân cô không hề cảm thấy mệt mỏi. 5 người thân của cô sau đó đã bị sốt và có triệu chứng bệnh đường hô hấp. COVID-19 ít gây tử vong hơn so với SARS – với tỷ lệ tử vong trên các ca nhiễm lên đến 9,5 - song dường như dễ lây lan hơn. Cả hai virus trên đều tấn công hệ hô hấp và đường tiêu hóa của con người.
Với trên 80% ca bệnh được ghi nhận mắc thể nhẹ và sẽ hồi phục, khoảng 1/7 người sẽ phát triển viêm phổi, khó thở cùng những triệu chứng nghiêm trọng khác. Gần 5% người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch, trong đó có suy hô hấp, rối loạn chức năng nội tạng và sốc nhiễm khuẩn.
“Khác với SARS, COVID-19 có mức độ lây nhiễm rộng hơn, từ không triệu chứng đến triệu chứng nhẹ đến bệnh nặng cần thở máy. Tiến triển lâm sàng của bệnh xuất hiện tương tự như SARS: Bệnh nhân bị viêm phổi vào cuối tuần đầu tiên đến đầu tuần thứ hai mắc bệnh”, các bác sĩ tại Singapore công bố trên tạp chí y khoa Cell ngày 20-2. Người lớn tuổi, đặc biệt những người mắc sẵn bệnh mãn tính như cao huyết áp và tiểu đường, có nguy cơ cao hơn mắc bệnh nặng hơn.
Ông Li Wenliang, bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi, là một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus Corona tại Vũ Hán, đã tử vong hồi đầu tháng vì nhiễm COVID-19. Ông đã được điều trị bằng kháng thể, thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, bơm máu qua phổi nhân tạo, song vẫn không thể qua khỏi.
Tiến sĩ Linfa Wang, người đứng đầu chương trình nghiên cứu bệnh lây nhiễm mới tại Đại học Duke-National (Singapore) cho hay trước khi nhiễm bệnh, bác sĩ Li có sức khỏe tốt và chỉ là một ca bệnh nhẹ trước khi phổi bị nhiễm trùng dẫn đến cái chết của ông hai ngày sau đó.
Bác sĩ Gregory A. Poland, Giáo sư y khoa tại công ty chăm sóc sức khỏe Mayo Clinic (Mỹ) cho biết ô hình viêm phổi tương tự bệnh nhân COVID-19 cũng được quan sát ở những người mắc bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918. Theo ông, khi nhiễm virus, bên trong cơ thể người bệnh có một trận chiến đấu xảy ra. Đó là trận chiến giữa những thương tổn mà virus gây ra cho cơ thể và thương tổn mà cơ thể gây ra khi chiến đấu với virus.
Các bác sĩ nghiên cứu về một ca tử vong 50 tuổi tại Trung Quốc tháng trước phát hiện COVID-19 chỉ khiến cảm thấy lạnh người, ho khan ban đầu nên vẫn có thể tiếp tục làm việc. Tuy nhiên vào ngày thứ 9 mắc bệnh, ông đã phải nhập viện vì mệt mỏi, thở gấp và được điều trị bằng các phương pháp chống nhiễm khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch. Ông chết 5 ngày sau đó với phế nang phổi bị tổn thương giống như tình trạng từng gặp ở SARS và MERS.
Trước đó, WHO từng cảnh báo về “Dịch bệnh X” chưa xác định. Mỗi năm, các nhà khoa học lại cùng với cơ quan y tế này lập ra bản danh sách những bệnh có thể bùng phát thành đại dịch toàn cầu. Năm 2018, Ebola, SARS và Zika được xếp là “Dịch bệnh X”.
Theo XUÂN CHI (Báo Tin tức)