COVID-19 tới 6 giờ sáng 17-9: Thế giới gần 30 triệu ca bệnh; Số ca tử vong tăng mạnh trở lại

17/09/2020 - 08:13

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 278.375 trường hợp mắc COVID-19 và 5.661 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên gần 30 triệu người.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại trung tâm y tế ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 14-9-2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16-9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 29.996.514 ca, trong đó có 944.148 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 21.761.618 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  61.146 ca và 7.290.748 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 16-9, thế giới có tới 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 83 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.  

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Karrachi, Pakistan, ngày 14-9-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (97.859 ca), Mỹ (35.925 ca) và Brazil (34.784 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.139 ca), Mỹ (1.034 ca), Brazil (899 ca) và Philippines (629 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Ấn Độ đang nổi lên thành tâm dịch mới của thế giới.

Dù vậy, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Ấn Độ, tâm dịch châu Á, số bệnh nhân COVID-19 đã vượt ngưỡng 5 triệu ca, trong đó hơn 83.200 ca tử vong. Theo số liệu mới nhất tới sáng 17-9 của trang worldometers.info, tổng số ca nhiễm là 5.115.893ca và 83.230 ca tử vong.

Ấn Độ hiện là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ (hơn 6,8 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 201.200 ca tử vong). Số ca mắc bệnh tại Ấn Độ tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động và tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày hiện ở mức cao nhất trên thế giới. Hiện cứ 6 ca mắc bệnh COVID-19 trên thế giới thì có 1 ca ở Ấn Độ.

Tình trạng này đã gây áp lực cho các bệnh viện trong việc tìm nguồn cung cấp oxy hỗ trợ điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân nguy kịch. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết ít nhất 6% trong tổng số gần 1 triệu ca nhiễm đang điều trị ở nước này cần oxy khẩn cấp.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại khu chợ ở Seoul ngày 18-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 200 ca trong ngày thứ 14 ngày liên tiếp, với 113 ca (trong đó 105 ca lây nhiễm trong cộng đồng), nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc lên 22.504 ca.

Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc lo ngại tình trạng nhiều ca mắc không truy vết được nguồn lây nhiễm và sự bùng phát ổ dịch mới. Trong hai tuần qua, số ca không xác định được nguồn lây chiếm tới 25% trong tổng số ca mắc mới.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quyết định cho học sinh các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Seoul và khu vực lân cận trở lại trường từ ngày 21-9 tới. Nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục nước này sẽ hạn chế tối đa số lượng học sinh tới trường đến ngày 11/10 trên toàn quốc, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng các lớp học từ xa.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại trường học ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 17-8-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Trung Quốc, do xuất hiện 2 ca nhiễm COVID-19 du nhập từ Myanmar, thành phố Thụy Lệ (Ruili) thuộc tỉnh Vân Nam (Yunnan) mới đây đã cấm người dân rời thành phố trừ các lý do đặc biệt như chữa bệnh, đi học, người rời thành phố cần có chứng minh xét nghiệm axit nucleic và giấy cho phép do Ban chỉ huy phòng chống dịch thành phố cấp.     

Trước đó, thành phố Thụy Lệ lên kế hoạch triển khai xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong vòng 3 ngày. Kế hoạch này bắt đầu thực hiện ngày 15-9, đến 13h ngày 16-9 đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 80.311 người.

Hiện tại, có 8 nhóm gồm 632 người đến từ Đội xét nghiệm axit nucleic tỉnh Tứ Xuyên, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Vân Nam, và nhân viên y tế thuộc thành phố Bảo Sơn, châu Đại Lý, thành phố Lệ Giang… được cử đến hỗ trợ thành phố Thụy Lệ thực hiện việc lấy mẫu, vận chuyển và xét nghiệm axit nucleic.

Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Damascus, Syria, ngày 13-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại khu vực Trung Đông, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây, với hơn 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Israel tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học trên cả nước từ ngày 17-9, sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch theo lệnh phong tỏa toàn quốc.

Israel đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần sẽ có hiệu lực từ 14h giờ địa phương ngày 18/9, theo đó hầu hết các cửa hàng, những địa điểm văn hóa, giải trí và du lịch sẽ phải đóng cửa. Sân bay quốc tế Ben Gurion sẽ vẫn mở cửa dưới hình thức hạn chế khi chỉ có các chuyến bay được phê duyệt mới được khai thác.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Montpellier, Pháp, ngày 3-9-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại châu Âu, Ukraine ngày 16-9 ghi nhận số ca tử vong trong theo ngày cao nhất từ trước tới nay, với 76 ca. Tính đến nay, tổng cộng đã có 162.660 ca nhiễm, trong đó 3.340 ca tử vong và 72.324 người đã bình phục.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ukraine đã cấm hơn 1.000 người hành hương Do Thái thuộc phái Hasidic, trong đó có cả trẻ em, nhập cảnh nước này, khiến đoàn người trên bị mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Ukraine và Belarus. Lực lượng chức năng cho biết những người hành hương này sẽ được cung cấp lương thực, thuốc men và lều trại.

Gruzia và Romania cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh và Y tế công cộng quốc gia Gruzia ngày 16-9 cho biết nước này có thêm 196 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 2.758 ca và tổng số ca tử vong là 19 ca.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tashkent, Uzbekistan, ngày 14-9-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Chính phủ Romania cùng ngày thông báo số ca nhiễm mới tại nước này trong ngày qua đã tăng thêm 1.713 ca, nâng tổng số lên 107.011 ca, và tổng số ca tử vong hiện là 4.285 ca. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, Romania nằm trong số các nước có số ca nhiễm mới tăng nhanh nhất cùng với Tây Ban Nha, Pháp, Malta, Croatia và CH Séc.

Tại CH Ireland, toàn bộ các thành viên trong nội các ngày 15-9 đã thực hiện tự cách ly trong thời gian ngắn sau khi Bộ trưởng Y tế nước này Stephen Donnelly có các triệu chứng nghi mắc COVID-19. Theo đó, Hạ viện Ireland đã ngừng tất cả các cuộc họp trong khi các thành viên nội các hạn chế đi lại vào tối 15-9.

Tuy nhiên, sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy Bộ trưởng Donnelly không mắc COVID-19, Phó Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho hay toàn bộ nội các và các nghị sĩ sẽ làm việc trở lại bình thường vào ngày 16-9.

Kiểm tra thân nhiệt cho khách du lịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Piraeus, Hy Lạp ngày 20-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Hy Lạp thông báo tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch COVID-19 tại vùng Attica, vốn đang là tâm dịch tại nước này. Trong khi đó, tờ Evening Standard số ra ngày 16-9 dẫn nguồn tin từ giới chức y tế Anh cho biết thủ đô London có thể áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19.

Tờ Der Standard của Áo dẫn các nguồn tin Chính phủ Đức cho biết Đức sẽ tuyên bố thủ đô Vienna của Áo là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao vì số ca mắc bệnh tại đây ở mức cao.

Nhận thấy tỷ lệ lây nhiễm chung, cũng như tỷ lệ lây nhiễm tại các viện dưỡng lão trên khắp đất nước đã giảm mạnh, Chính phủ Thụy Điển thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đến thăm người thân, bạn bè tại các viện dưỡng lão vốn được áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1-4 và đã được gia hạn một vài lần, trong đó lần gia hạn gần đây nhất sẽ hết hiệu lực vào ngày 1-10 tới.

Bộ trưởng Y tế và Vấn đề xã hội Lena Hallengren cho biết sẽ không tiếp tục gia hạn biện pháp này, song vẫn cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn chưa qua và việc thăm nom cần phải đảm bảo an toàn dịch tễ.

Biên giới Canada - Mỹ tại khu vực Lansdowne, Ontario, Canada, đóng cửa trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại khu vực châu Mỹ, Canada không loại trừ nguy cơ nước này đã bước vào làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai khi trong 7 ngày gần đây, số ca nhiễm mới trung bình đã vọt lên 838 người.

Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này đã có 138.803 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.188 ca tử vong. Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến theo xu hướng phức tạp, Mỹ và Canada có thể sẽ kéo dài lệnh đóng cửa biên giới giữa hai nước tới ít nhất là cuối tháng 11 năm nay.

Về việc phát triển vaccine, quá trình thử nghiệm vaccine của AstraZeneca được nối lại tại nhiều nước như Nam Phi, Brazil, Ấn Độ, sau khi bị tạm hoãn do xảy ra một số sự cố.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 13-9-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan về vaccine ngừa COVID-19 khi tuyên bố Mỹ có thể có vaccine trong chưa đầy một tháng nữa.

Phát biểu trước những cử tri ủng hộ tại bang Pennsylvania, ông Trump khẳng định Mỹ đang tiến rất gần với việc có một loại vaccine ngừa COVID-19. Ông nhấn mạnh: "Trong vài tuần nữa, chúng ta sẽ có được, có thể là 3 tuần, 4 tuần".

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 13-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một cuộc họp trực tuyến của Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO), Giám đốc cơ quan này Carissa Etienne đã hối thúc các nước Mỹ Latinh tiếp tục triển khai các hành động kiềm chế dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong bối cảnh bắt đầu nối lại các sinh hoạt xã hội và hoạt động công.

Lãnh đạo chi nhánh châu lục của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo những diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp tại Mỹ Latinh, như việc số ca nhiễm tăng gấp 10 lần trong 2 tuần qua tại dọc biên giới Venezuela – Colombia, hay tỷ lệ tử vong gia tăng ở một số khu vực tại Mexico, Argentina, Bolivia, Costa Rica và Ecuador.

Bà Etienne nhấn mạnh việc Brasil tới nay đã ghi nhận 4,3 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), cao thứ 3 thế giới, và đứng thứ 2 thế giới về số ca tử vong, chỉ sau Mỹ, trong khi Mexico, Argentina, Colombia và Peru cũng đều có những đợt bùng phát nghiêm trọng trong thời gian qua và nằm trong số 10 quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất toàn cầu.

Trong ảnh: Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.746 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 14.120 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác.

Trong khi Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca bệnh phát sinh trong ngày tại ASEAN giảm không đáng kể trong vòng 1 ngày qua. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia, ngày 12-9-2020. Ảnh:AFP/TTXVN

Hiện nay, tại ASEAN, dịch bệnh về cơ bản đang diễn biến phức tạp và có xu thế nghiêm trọng hơn ở hai quốc gia thành viên là Indonesia và Philippines, khi số ca tử vong tăng mạnh những ngày qua.

Singapore và Malaysia vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mới mỗi ngày, song hai nước này tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 14.122 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 208 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 578.132 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 443.623 trường hợp.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Việt Nam, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 16/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Binh lính Nam Phi kiểm tra thân nhiệt cho một người dân tại ngoại ô thủ đô Pretoria, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng - Pv TTXVN tại Nam Phi

Trang mạng Arab News ngày 16/9 dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 đạt đỉnh sớm hơn dự kiến ở nhiều nước châu Phi, trái với những dự đoán trước đó.

Các nhà khoa học hiện chưa rõ lý do đằng sau hiện tượng vừa đề cập, nhưng có một giả thuyết cho rằng người dân ở một số quốc gia châu Phi đã tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm khác trong quá khứ và hiện tượng này đã tạo ra “khả năng miễn dịch từ trước để chống lại COVID-19”.

Theo Giáo sư Francesco Checchi - chuyên gia dịch tễ học của trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), virus SARS-CoV-2 “trên thực tế” không hoạt động theo những cách được dự đoán ở các nước châu Phi, bao gồm Sudan, Somalia, Kenya và Tanzania.

Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)