COVID-19 tới 6h sáng 21-2: Thêm 8.000 ca tử vong; Nga tung vaccine phòng mọi biến thể

21/02/2021 - 07:35

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 8.025 ca tử vong mới và trên 357.000 ca nhiễm. Nga đã cấp phép sử dụng loại vaccine COVID nội địa thứ ba, được cho có khả năng bảo vệ trước mọi biến thể của virus.

Chú thích ảnh

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong chuyến thăm nhà máy sản xuất vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer ở Kalamazoo, Michigan, Mỹ, ngày 19-2-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 21-2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 111.593.025 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.470.975 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 86.810.901 người, 22.311.149 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 94.445 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (61.990 ca), Brazil (57.455 ca) và Pháp (22.371 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.672 ca), tiếp theo là Brazil (1.022 ca) và Mexico (857 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 28.670.843 triệu người, trong đó có 509.641 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 10.991.091 ca nhiễm, bao gồm 156.339 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 245.977 trong tổng số 10.139.148 ca nhiễm.

Chú thích ảnh

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 5-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nga cấp phép vaccine mới có khả năng bảo vệ trước mọi biến thể

Ngày 20-2 Nga đã cấp phép sử dụng thêm một loại vaccine ngừa COVID-19 có tên CoviVac do Trung tâm Chumakov Centre phát triển và sản xuất. Đây là loại vaccine thứ 3 được Nga cấp phép sử dụng trong nước, sau 2 loại vaccine là Sputnik V của Viện Gamaleya và 1 loại vaccine của viện Vector.

Không giống như vaccine Sputnik V có cơ chế sử dụng virus vô hại đưa protein của SARS-CoV-2 vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng miễn dịch, vaccine CoviVac là loại vaccine hàm chứa toàn thành phần virus, qua đó được đánh giá là loại vaccine có khả năng bảo vệ người dùng trước mọi biến thể của virus SARS-CoV-2. Hiện Nga chưa triển khai tiêm chủng loại vaccine này.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev ngày 20-2 cho biết Moskva nhận thấy sự ủng hộ của Áo, Đức, Pháp, và Italy đối với vaccine Sputnik V do nước này phát triển. Hiện nước này đang đàm phán với một số công ty Áo để sản xuất Sputnik V. 

Nga đã cấp phép sử dụng Sputnik V hồi tháng 8/2020 và giai đoạn thử nghiệm sau cùng bắt đầu vào tháng 9. Đến tháng 12, Nga triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vaccine Sputnik V trên diện rộng sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine này đạt hiệu quả tới 91,4%. Tính đến nay, hơn 2 triệu người Nga đã được tiêm chủng ít nhất mũi đầu của vaccine Sputnik V.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn chưa lắng dịu khi số ca mắc mới vẫn cao. Đứng sau Nga, Ba Lan và Ukraine ghi nhận số ca lây nhiễm mới nhiều thứ hai và thứ ba trong khu vực châu Âu, lần lượt là 8.510 và 6.295 ca. Trong khi đó, một số nước khác như Romania, Bỉ, Áo, Hungary, Slovakia và Belarus ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày.

Hơn 200 triệu liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới 

Hãng tin AFP tổng hợp nhiều nguồn tin cho biết tính đến 17h ngày 20-2 (theo giờ Việt Nam), đã có 201.042.149 liều vaccine được tiêm chủng tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó G7 - nhóm các nước công nghiệp phát triển chỉ chiếm 10% dân số thế giới, lại chiếm tới 45% tổng số mũi tiêm. 

AFP nêu rõ con số thống kê này không bao gồm số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga - 2 nước ngừng công bố kết quả của các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong vài ngày gần đây. 

92% số vaccine nói trên được phân phối cho các nước được Ngân hàng thế giới (WB) xếp loại nước có thu nhập cao và trung bình cao - những nước chiếm khoảng 50% dân số thế giới. 

Chú thích ảnh

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 20-2. Ảnh: CNN

Mỹ: Tổng thống Biden khẳng định tính an toàn của vaccine

Ngày 19-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tận dụng chuyến thăm tới nhà máy sản xuất vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer ở bang Michigan để trấn an người dân rằng chế phẩm này là an toàn và có vai trò then chốt trong việc đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Biden nêu rõ: "Những vaccine (ngừa COVID-19) là an toàn. Hãy vì bản thân bạn, gia đình bạn, cộng đồng và đất nước, hãy tiêm vaccine khi đến lượt và chúng đã sẵn có. Đó là cách để chúng ta đánh bại dịch bệnh này." 

Cũng theo Tổng thống Biden, nước Mỹ đang trên đà vượt mục tiêu mà ông đặt ra là tiêm chủng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức kể từ ngày 20/1, với mức trung bình hiện tại là 1,7 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày. 

Canada cảnh báo về các biến thể mới

Theo mô hình dịch bệnh mới được Chính phủ Canada công bố, các biện pháp y tế công cộng hiện tại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 có thể sẽ không đủ để ngăn chặn các biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2, khiến Canada có nguy cơ rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ ba dữ dội và khốc liệt hơn trong mùa Xuân này.

Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Canada có thêm 2.886 ca nhiễm mới. Con số này có thể sẽ tăng lên thành 10.000 ca/ngày vào cuối tháng Ba nếu vẫn giữ nguyên các biện pháp hạn chế và vọt lên thành 20.000 ca/ngày nếu dỡ bỏ các biện pháp đang được áp dụng. Hiện tại Canada đã có hơn 660 trường hợp nhiễm biến thể B.1.1.7 có nguồn gốc từ Anh vốn không chỉ có khả năng lây lan hơn mà còn khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, có thể dẫn đến tử vong.

Theo thống kê, tính đến nay đại dịch COVID-19 đã lấy đi sinh mạng của 21.560 người ở Canada  trong tổng số 839.603 người nhiễm bệnh.

Chú thích ảnh

Hungary kêu gọi người dân tiêm chủng

Cùng ngày, Thủ tướng Hungary Victor Orban kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời cảnh báo quốc gia này đang trải qua đỉnh dịch của làn sóng dịch thứ ba. Cho đến nay, đã có 391.821 người ở Hungary được chủng ngừa ít nhất một mũi vaccine và tất cả những người đã đăng ký sẽ được chủng ngừa trước Lễ Phục sinh. Ông nêu rõ: "Chúng ta sở hữu kho vaccine lớn nhất ở Liên minh châu Âu. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người đăng ký, tiếp nhận vaccine và đi tiêm chủng".

Hungary đã cấp phép việc sử dụng vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga cùng các vaccine của Đại học Oxford/AstraZeneca (Anh), Sinopharm (Trung quốc) và Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ).

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Stolberg, Đức ngày 26-1-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Croatia đàm phán mua vaccine Sputnik V

Croatia đã tiến hành các cuộc đàm phán ban đầu để mua vaccine Sputnik V của Nga dù chế phẩm này vẫn chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cho biết nước này muốn tìm kiếm các cơ hội khác để mua các loại vaccine tiềm năng, như Sputnik V, vì việc phân phối vaccine đã bị chậm ở cấp Liên minh châu Âu (EU). Ông Plenkovic nêu rõ: "Nếu vaccine này được EMA chấp thuận, chúng tôi muốn mua để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt hiện nay".

Croatia đã đặt hàng 1,9 triệu liều vaccine của Pfizer, 1 triệu liều vaccine của Moderna, 2,7 triệu liều vaccine của của Đại học Oxford/AstraZeneca và 900.000 liều vaccine bổ sung từ Johnson&Johnson (Mỹ). Hiện nước này đã bắt đầu thủ tục đăng ký tiêm chủng tại EU.

Romania trở thành một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên đưa người vô gia cư vào diện ưu tiên được tiêm chủng, tương tự như người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Theo giới chức y tế Romania, trong nhiều ngày qua, nước này đã tiêm chủng cho gần 300 người vô gia cư. Ước tính, có khoảng 1.300 người đăng ký là người vô gia cư tại Romania.

Chú thích ảnh

Học sinh đến trường đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Johannesburg, Nam Phi ngày 15-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Á: Indonesia có số ca mắc mới cao nhất

Tại châu Á, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực này với 8.054 ca, tiếp theo là Iran là 7.922 ca. Các nước có số ca mắc mới trong ngày vượt ngưỡng 2.000 ca gồm Malaysia, Pakistan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Philippines.

Campuchia nhanh chóng đối phó với làn sóng 3

Theo báo Khmer Times, sau khi Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen sáng 20/2 xác nhận bùng phát đợt lây nhiễm cộng đồng COVID-19 lần thứ ba tại nước này, Bộ Giáo dục Campuchia đã ra thông báo về các biện pháp mới chống COVID-19 trong các trường học, trong đó có quy định tránh tập trung trên 20 học sinh và tiếp tục các tiêu chuẩn an toàn phòng dịch.

Chú thích ảnh

 Từ sáng 20-2, các cầu dẫn vào đảo Kim Cương (Koh Pich) bị phong tỏa. Ảnh: TTXVN/phát

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen cho biết hiện chưa có kế hoạch đóng cửa lập tức các trường học hay hủy sự kiện do đợt lây nhiễm COVID-19 cộng đồng lần thứ ba ở thủ đô Phnom Penh, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp an toàn mà Bộ Y tế và Chính phủ Campuchia đề ra.

Sáng 20-2, các cơ quan chức năng Campuchia đã phát hiện 32 ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Phnom Penh, chủ yếu trong khu vực đảo Koh Pich và một khu chung cư gần sân vận động Olympic. Theo thông tin ban đầu, đợt lây nhiễm COVID-19 lần thứ ba này có liên quan tới một số trường hợp đang cách ly tại khách sạn Sokha nhưng cố tình trốn ra ngoài và lưu trú trong một loạt các chung cư tại thủ đô Phnom Penh. 

Chú thích ảnh

Malaysia: Ca hồi phục đang vượt ca nhiễm mới

Theo báo Straits Times, số bệnh nhân COVID hồi phục tại Malaysia đang vượt qua số ca nhiễm mới trong ngày thứ 9 liên tiếp. Do đó, tổng số ca bệnh đang được điều trị hiện đã giảm xuống 36.797. Trước đó, vào ngày 11-2, số ca bệnh đang điều trị tại Malaysia ở mức cao kỷ lục là 51.783.

Con số bệnh nhân mới gần về mức trước khi áp đặt lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO), khi ca điêu trị là 30.390 vào ngày 12-1.

Trong khi đó, Cảnh sát trưởng Malaysia cho biết an ninh sẽ được siết chặt tối đa tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur khi lô vaccine ngừa COVID đầu tiên về đến nước này trong ngày 21-2.

Malaysia sẽ nhận 1 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ 26-2.

Israel đồng ý tiêm vaccine COVID cho 100.000 lao động Palestine

Cùng ngày, Chính quyền Palestine cho biết Israel đã đồng ý tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 100.000 lao động Palestinei. Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn vaccine ngừa COVID-19 tại Israel đang được đánh giá là nhanh nhất thế giới.

Một tuyên bố từ Bộ Y tế Palestine cho biết thỏa thuận trên đã đạt được "trong cuộc họp nhằm thảo luận về đại dịch COVID-19", song không cho biết thời điểm kế hoạch trên được thực hiện. Hai bên cũng nhất trí "hợp tác kỹ thuật" nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Chú thích ảnh

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 19-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

New Zealand đã chính thức triển khai rộng rãi việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng biên phòng và nhân viên kiểm dịch biên giới sau khi tiến hành tiêm chủng cho một nhóm nhỏ các nhân viên y tế trong ngày hôm trước. Vào đầu tuần này, khi New Zealand tiếp nhận 60.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố nước này đã đặt mua đủ lượng vaccine để tiêm miễn phí cho hơn 5 triệu người và tất cả người nước ngoài đang có mặt ở đây. Chiến dịch tiêm chủng ở New Zealand dự kiến sẽ hoàn thành trong 1 năm.

Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)