Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Đoàn kết, tích cực phòng chống dịch COVID-19
Trước sự lây lan nguy hiểm của dịch COVID-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ra Lời kêu gọi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị thực hiện các biện pháp quyết liệt, kịp thời để phòng chống dịch.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch”. Đến nay, Việt Nam đã ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, được lãnh đạo nhiều nước, nhiều tổ chức, các phương tiện truyền thông quốc tế đánh giá cao. Chính phủ đã kịp thời chuyển đổi trạng thái, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời không chủ quan trong phòng, chống dịch.
“Cử tri và nhân dân bày tỏ trân trọng về những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng phòng, chống dịch, nhất là ngành y tế, lực lượng quân đội, công an, cán bộ ở cơ sở. Đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự xúc động, biết ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài, trong lúc dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, vẫn tổ chức đón bà con có nhu cầu về nước trong an toàn, chu đáo. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự ủng hộ, chia sẻ khó khăn với một số nước bị dịch bệnh COVID-19, thể hiện trách nhiệm, tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt nam nói.
Trong những ngày xảy ra dịch bệnh, với truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu đậm, trong lúc khó khăn, nhiều nghĩa cử cao đẹp lan tỏa trong cộng đồng, cây ATM gạo, phiên chợ nhân đạo, siêu thị không đồng, suất cơm tình nghĩa... hình ảnh những người cao tuổi, trẻ em, các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ phòng, chống dịch, khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tính đến ngày 15/5/2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức tiếp nhận và đăng ký ủng hộ phòng chống đại dịch COVID-19 tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền 1.964,7 tỷ đồng. Cụ thể, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ 939 tỷ đồng (trong đó, ủng hộ tiền mặt 816,3 tỷ đồng; ủng hộ hiện vật tương ứng số tiền 122.7 tỷ đồng); ủng hộ qua tin nhắn đầu số 1407 là 150 tỷ đồng; ủng hộ trực tiếp vào tài khoản Bộ Y tế 19,5 tỷ đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ủng hộ là hơn 1.025,7 tỷ đồng (trong đó, ủng hộ tiền mặt hơn 800,3 tỷ đồng; ủng hộ hiện vật tương ứng số tiền 225,3 tỷ đồng) cùng với số lượng lớn hàng hóa, thiết bị, nhu yếu phẩm.
“Biến nguy thành cơ”
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình thiên tai, dịch bệnh nhưng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng.
Chính phủ đã gặp mặt trực tuyến, tổ chức đối thoại, khuyến khích sáng tạo của các doanh nghiệp, kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều bộ, ngành đã kịp thời ban hành, điều chỉnh các quy định về thuế, tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội… trong các ngành nghề, lĩnh vực nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tận dụng cơ hội, “biến nguy thành cơ” với nhiều sáng kiến để thích ứng với tình hình, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức đối thoại, gặp mặt trực tuyến với hơn 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước, lắng nghe những đề xuất của các doanh nghiệp, đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp, cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh từng bước vượt qua khó khăn, cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ để quyết tâm phục hồi nền kinh tế.
Cử tri và nhân dân thể hiện sự tin tưởng, phấn khởi khi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng bước đầu triển khai đến các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, lao động mất việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, góp phần ổn định đời sống người dân. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính mong muốn các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải quyết thủ tục giải ngân, tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm tiếp cận với gói hỗ trợ để phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cử tri và nhân dân cũng đề nghị việc thực hiện hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng chính sách, có sự giám sát chặt chẽ để tránh trục lợi chính sách, chống lãng phí.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, cử tri và nhân dân lo lắng trước những khó khăn, thách thức của đất nước chưa từng có trong nhiều năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm của người lao động, tình trạng mất việc làm, thiếu việc làm tăng. Nhiều doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động, người lao động nghỉ việc, làm việc luân phiên, không có lương hoặc thu nhập rất thấp, nhất là trong các ngành dệt may, dịch vụ, du lịch, vận tải, giáo viên ngoài công lập...
“Mặc dù cơ quan chức năng đã cố gắng giải quyết các chính sách trợ cấp cho người lao động nhưng đời sống của nhiều người lao động vẫn rất khó khăn, nhất là những người bị mất việc làm. Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì và mở rộng thị trường việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động”, ông Trần Thanh mẫn nói.
Tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất, sản phẩm hàng hóa có lúc, có nơi bị ứ đọng trong thời gian diễn ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước. Người dân và doanh nghiệp đề nghị Nhà nước cần có giải pháp để tăng cường phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, chủ động tìm kiếm thị trường thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường mới là đối tác của Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường có nhiều biến động; một số đối tượng lợi dụng gom hàng, đẩy giá lên cao. Đề nghị Nhà nước tập trung nguồn lực để kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân, tăng cường công tác kiểm tra thị trường, thực hiện niêm yết giá công khai, xử lý nghiêm các vi phạm.
Nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị 10 vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm và có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội. Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, từ sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.385 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 vấn đề:
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế - xã hội trong tình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn. Biểu dương, khen thưởng những điển hình tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh để tinh thần chống dịch bệnh trong thời gian vừa qua được tiếp tục phát huy trong ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nhân lên tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương chú trọng đa dạng hóa thị trường, ưu tiên phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để bảo đảm kế hoạch, chương trình dạy học và nội dung, kiến thức của học sinh, sinh viên, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm; quản lý chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án; triệt phá kịp thời các băng nhóm tội phạm; tăng cường quản lý an ninh mạng; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, khoáng sản.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; tiếp tục mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, phục vụ tốt hơn nữa đối với người dân, doanh nghiệp.
Theo Báo Tin Tức