Đưa học sinh có thân nhiệt cao vào phòng cách ly. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Từ thực tiễn công tác y tế trường học và nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể thấy, nhân viên y tế trường học có vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, giáo viên cũng như công tác kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân viên y tế trường học, thậm chí có nơi “trắng” nhân viên y tế đang là vấn đề cần giải quyết của hầu hết các địa phương trong cả nước.
Nhân viên y tế trường học - thiếu và yếu
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết Việt Nam hiện có hơn 23 triệu trẻ em, học sinh, chiếm khoảng 25% tổng dân số. Bên cạnh sự quan tâm về giáo dục, trẻ em, học sinh rất cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật thường gặp và các bệnh do chính yếu tố học đường gây ra. Do vậy, y tế học đường ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động về y tế trường học. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế trường học còn không ít khó khăn, bất cập.
Đội ngũ cán bộ y tế trường học vừa thiếu vừa yếu, chưa được đãi ngộ thỏa đáng; đầu tư cho giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh hằng năm chưa được quan tâm đúng mức.
Nguồn kinh phí dành cho y tế trường học còn hạn chế, cùng với đó, sự phối hợp liên ngành trong triển khai hoạt động y tế trường học ở nhiều địa phương chưa hiệu quả.
Theo báo cáo kết quả khảo sát năm 2019 của Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhưng tổng số nhân viên y tế trường học chỉ chiếm 74,9%, trong đó, biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2%.
Số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học là 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non. Số trường có cán bộ làm công tác y tế trường học trình độ chuyên môn đảm bảo theo quy định (từ y sĩ trở lên) chỉ đạt khoảng 30%.
Nhiều trường hiện nay chỉ tuyển dụng điều dưỡng, nữ hộ sinh, thậm chí có nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng nhân viên y tế là kế toán, thủ quỹ, nhân viên thư viện...
Theo số liệu thống kê của Hà Nội, toàn thành phố hiện thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối Trung học Cơ sở thiếu 88 người. Do từ năm 2015, thành phố tạm dừng tuyển dụng nhân viên y tế tại trường học công lập.
Xác định vai trò quan trọng của công tác y tế trong trường học để thực hiện sơ cứu ban đầu và theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh, đặc biệt trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết Sở đã đề xuất thành phố cho phép ngành giáo dục và đào tạo cùng với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học.
Trường hợp chưa kịp tuyển dụng, các trường có thể ký hợp đồng với nhân viên y tế có trình độ chuyên môn để đảm bảo chăm sóc y tế trong nhà trường.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh; phát hiện các dấu hiệu liên quan đến tình hình nhiễm bệnh để có các phương án xử lý kịp thời.
Hướng tới 100% cơ sở giáo dục có nhân viên y tế
Trên thực tế, hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, các chương trình phòng, chống dịch bệnh cho học sinh, xây dựng khung dinh dưỡng-y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh. Các trường học có bếp ăn bán trú, nhân viên y tế phải kiểm tra thực phẩm đưa vào trường hằng ngày…
Sức khỏe học đường là vấn đề cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho các em. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Do hệ miễn dịch của học sinh còn chưa thực sự hoàn thiện, trong quá trình học tập tại trường, một số em có thể gặp các vấn đề bất thường như cảm lạnh, cảm nắng, nôn ói, rối loạn tiêu hóa, ngất... Một số em có thể bị thương trong lúc vui chơi hoặc có bệnh sẵn và không may phát bệnh đột ngột.
Trong trường hợp đó, nhân viên y tế học đường có nhiệm vụ thăm khám, sơ cứu, điều trị và cấp phát thuốc (trong khuôn khổ quy định), hướng dẫn các em liều dùng, chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, ăn uống phù hợp với thể trạng.
Đặc biệt, trong 2 năm qua, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhân viên y tế tại trường học là người trực tiếp phối hợp với cơ quan y tế địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà trường.
Trong thời gian học sinh đi học trực tiếp, nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, hàng ngày, nhân viên y tế phải cập nhật tình hình dịch bệnh; kiểm tra, giám sát, nhắc nhở học học sinh, cán bộ, giáo viên thực hiện những biện pháp để phòng tránh dịch COVID-19; đảm bảo phòng y tế tại trường học có đầy đủ trang thiết bị y tế phòng chống, dịch hàng ngày. Nhân viên y tế phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi tại trường…
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các địa phương rà soát, sắp xếp, bổ sung nguồn lực cho công tác y tế trường học; đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục có đầu mối y tế trường học thường trực để triển khai các nhiệm vụ phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch; tổ chức tiêm vaccine cho học sinh.
Đồng thời, Bộ kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để các cơ sở giáo dục chưa có nhân viên chuyên trách y tế có thể ký hợp đồng tạm thời (6 tháng) với y tế cơ sở, y tế tư nhân hoặc người có trình độ chuyên môn y khoa để thực hiện nhiệm vụ thường trực phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Chương trình đặt ra mục tiêu 100% chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục, xây dựng cơ chế quản lý và phương thức hoạt động y tế trường học phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.
100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học (nhân viên chuyên trách hoặc phân công nhân viên kiêm nhiệm theo dõi công tác y tế trường học) hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương. 100% trung tâm y tế cấp huyện; trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học.
Bên cạnh đó, 95% nhân viên y tế trường học trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở được bồi dưỡng về công tác y tế trường học dành cho từng đối tượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm; 95% cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác y tế trường học: phòng làm việc, giường, trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu và nguồn kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế dành cho chăm sóc sức ban đầu đối với học sinh. 100% cơ sở giáo dục công lập được bố trí nguồn kinh phí hoạt động y tế trường học từ ngân sách dành cho sự nghiệp giáo dục, y tế hằng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách về công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở. Rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế trường học tại các cơ sở giáo dục.
Đối với cơ sở giáo dục công lập, căn cứ số nhân viên y tế chuyên trách tại các trường học đã được tuyển dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố, tổ chức sắp xếp lại theo hướng ưu tiên bố trí nhân viên chuyên trách y tế trường học đối với các trường chuyên biệt; cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục có vị trí xa trạm y tế cấp xã, cơ sở khám chữa bệnh (những nơi y tế cơ sở không thể can thiệp, chăm sóc y tế kịp thời cho học sinh).
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập chủ động bố trí nhân viên chuyên trách y tế trường học hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để triển khai công tác y tế trường học theo quy định.
Chương trình hướng tới mục tiêu chung là củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn kết với hệ thống y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non và học sinh.
Theo VIỆT HÀ (TTXVN)