Một góc chợ Hiệp Xương với hình ảnh chị em xách giỏ đi chợ đã trở nên quen thuộc.
Mô hình “Phụ nữ nói không với túi ny-lon” là cách thay đổi hành động tuy lạ mà quen trong sinh hoạt hàng ngày, có ý nghĩa lại “vừa sức” để các chị em hưởng ứng. Chủ tịch Hội Liên hiệp PN xã Hiệp Xương Nguyễn Thị Bé Hai cho biết, mô hình do Hội Liên hiệp PN và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện triển khai thí điểm tại ấp Hiệp Thuận từ tháng 3, với 20 hội viên tham gia. Sau thời gian theo dõi thấy hiệu quả tích cực đã tiếp tục nhân rộng thêm 100 hội viên rải rác các ấp và sẽ phấn đấu tiếp tục lan tỏa nhiều hơn. Đóng vai trò là người “chủ trì” mọi sinh hoạt của gia đình, trong “quy trình” từ đi chợ, chế biến món ăn và quan tâm, chăm lo cho sức khỏe các thành viên trong gia đình, các chị là đối tượng ưu tiên tuyên truyền và hành động làm gương. Ban đầu, mỗi chị được tặng 1 giỏ xách nhựa để đi chợ và vận động nếu có điều kiện thì trang bị thêm hộp nhựa, cà-mên đựng thức ăn nóng, các loại thịt, cá… Nghe nhiều về tác hại túi ny-lon với sức khỏe và môi trường, chị em không chỉ tích cực sử dụng giỏ nhựa, mà còn gợi ý tiểu thương gói sản phẩm nhỏ bằng lá lục bình, lá sen. “Các tiểu thương nói với nhau sao dạo này ai đi chợ cũng xách theo cái giỏ nhựa. Giờ họ đã quen và rất thành ý tiếp thu đề xuất của các bà nội trợ. Tuy chưa thể thay đổi hoàn toàn nhưng so với trước đây các chị đều có chuyển biến rất tốt” - chị Bé Hai phấn khởi cho hay.
Đề cập đến việc sinh hoạt, mua sắm hàng ngày, nhất là mỗi khi ra chợ, chị em phụ nữ cho biết, cứ mỗi món đồ đều đựng bởi 1 bọc ny-lon riêng. Cái nào sạch được tái sử dụng giỏi lắm vài lần, còn lại đều vứt bỏ, ai ý thức hơn thì đốt hoặc giặt sạch để cho lại người khác. Bọc ny-lon có mặt trong nhà, ngoài ngõ, vương vãi khắp nơi, dưới sông, ven kênh, rạch… sau bao năm tháng chỉ rách nát và thêm chồng chất chứ không “biến mất”. Đó là thực trạng ai cũng thấy. Chị Phan Thị Bích Tuyền, ngụ ấp Hiệp Thuận cho biết, trung bình 1 ngày đi chợ phải mang theo về 10-20 bọc ny-lon. Chị chia sẻ: “Thay đổi thói quen này không khó khăn lắm, vì bình thường tôi cũng đã biết tác hại của túi ny-lon và suy nghĩ nên có cách gì thay thế. Đặc biệt, những khi mua thức ăn nóng, sử dụng túi ny-lon đựng rất có hại cho sức khỏe”. Chị Tuyền là một trong số hội viên tham gia mô hình đợt đầu tiên, đến nay đã 4 tháng, chị và hầu hết chị em vẫn thực hiện nghiêm túc, đồng thời nhắc nhở nhau bỏ rác đúng nơi thu gom, xử lý túi ny-lon theo cách an toàn.
Theo chị Nguyễn Thị Bé Hai, toàn xã có hơn 2.000 hội viên. Để nhân rộng mô hình, tác động ý thức cho các chị em hưởng ứng đông đảo là một quá trình dài. Hiện tại, Hội vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động và tranh thủ nguồn hỗ trợ để phát giỏ miễn phí cho các chị. Việc tuyên truyền để người dân bỏ dần thói quen sử dụng túi ny-lon, tiến đến bỏ hẳn là nhiệm vụ hàng ngày và lâu dài không riêng của Hội PN mà đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của các phương tiện truyền thông, nhiều đơn vị, cơ quan. Từ sự ý thức của mỗi cá nhân, giảm lượng túi ny-lon thải vào môi trường cũng là một hành động thể hiện cách sống trách nhiệm và thân thiện hơn với môi trường của chính chúng ta.
MỸ HẠNH