Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

26/11/2024 - 06:17

 - Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), do Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức, nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp bền vững. Đây còn là dịp để nhà nghiên cứu, chuyên gia, người làm chính sách cùng tìm giải pháp ứng phó BĐKH.

Hội thảo có sự tham gia của 200 đại biểu đến từ viện, trường đại học trong nước và quốc tế (Thái Lan, Indonesia, Úc, Pháp…); nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, giảng viên, học viên, sinh viên trong nước và quốc tế. Các nội dung nghiên cứu chủ yếu: Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ; chuỗi giá trị nông sản; phát triển quy trình công nghệ chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản, xử lý phụ phẩm trong quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị và tái sử dụng trong quá trình sản xuất; tác động BĐKH đến hệ sinh thái xã hội và môi trường, nông nghiệp; vấn đề ô nhiễm môi trường, sinh thái bảo tồn, bảo vệ tài nguyên nhiên thiên và phát triển bền vững…

Theo PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang (Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), ĐBSCL là “vựa lúa” của đất nước, rất quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, khu vực này ngày càng dễ bị tổn thương bởi biến động nước mặt và hạn hán ngày càng trầm trọng hơn do BĐKH, những thay đổi thủy văn ở thượng nguồn và các hoạt động phát triển của địa phương. 

Giới thiệu sản phẩm được sản xuất từ ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật mới

Với đề tài “Đổi mới công nghệ trong nuôi trồng thủy sản thích ứng với BĐKH, nước mặt và động lực khí tượng hạn hán ở ĐBSCL và phương pháp trồng lúa bền vững”, PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang phân tích dữ liệu khí tượng, thủy văn, nghiên cứu xác định mô hình và xu hướng quan trọng trong nguồn nước sẵn có, tần suất hạn hán; đề xuất kỹ thuật canh tác thích ứng, chiến lược quản lý nước nâng cao và các biện pháp can thiệp chính sách, hỗ trợ canh tác lúa bền vững, hiệu quả ở ĐBSCL.

 PGS. TS Lại Quốc Đạt (Trưởng phòng Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, giảng viên ngành Công nghệ thực phẩm) nhận định, ĐBSCL là vùng dân cư đông đúc phụ thuộc vào sản xuất lúa gạo, trái cây và nuôi trồng thủy sản, cũng là nơi dễ bị ảnh hưởng đến những gián đoạn liên quan đến khí hậu. Tần suất ngày càng tăng của các hiện tượng bất thường về khí hậu (như hạn hán, lũ lụt và các đợt nắng nóng…) gây ra rủi ro đáng kể đối với hệ thống lương thực của ĐBSCL, giảm năng suất cây trồng, đe dọa sức khỏe vật nuôi và thủy sản, ảnh hưởng sinh kế.

Vì vậy, việc tích hợp giải pháp thích ứng với các chính sách hệ thống thực phẩm bền vững là điều cần thiết để tăng cường gắn kết, hiệp lực giữa khả năng phục hồi khí hậu và chiến lược an ninh lương thực. Các giải pháp cần triển khai, như: Đa dạng hóa cây trồng, quản lý và sử dụng đất đai bền vững, bảo tồn nước, tưới tiêu hiệu quả, cô lập carbon trong đất và thảm thực vật; hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, năng lượng sinh học), cùng với các sáng kiến nhằm giảm thất thoát, lãng phí lương thực...

Theo PGS.TS Võ Văn Thắng (Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Trưởng ban Tổ chức hội thảo), BĐKH toàn cầu đang là thách thức chưa từng có đối với ngành nông nghiệp. Điều này đòi hỏi cần phải thay đổi, áp dụng phương pháp mới, hiệu quả hơn để thích ứng và phát triển bền vững. Hội thảo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển đổi kiến thức từ nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất; hỗ trợ phương pháp bền vững, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường, mà còn đảm bảo năng suất, lợi nhuận và đời sống của người dân. Các phiên thảo luận chuyên sâu, chia sẻ từ chuyên gia hàng đầu mở ra hướng đi mới, tạo động lực cho các nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, thích ứng với BĐKH. 

HỮU HUYNH