Sầu riêng - vàng xanh núi Cấm

25/07/2025 - 04:44

 - Mùa mưa, núi Cấm (tỉnh An Giang) khoác lên mình chiếc áo mới xanh thẳm và tỏa hương trái ngọt. Hàng ngày, người dân “chốn bồng lai” này vẫn cần mẫn chăm sóc vườn cây ăn trái, kiếm thêm thu nhập từ thiên nhiên hào phóng.

Bà Nguyễn Thị Hương bán sầu riêng gần chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm.

Trái cây đặc hữu

Mùa này, mưa rả rích, muốn về Bảy Núi an toàn phải xem trước dự báo thời tiết. Nhưng cũng khó đoán trước được thời tiết vùng núi lúc nắng chang chang, khi lại kéo mây mù đen kịt rồi đổ mưa xối xả. Mưa tạnh, chúng tôi tiếp tục lên đường, ghé vựa trái cây Đen Thảo để tìm hiểu chuyện mùa trái ngọt trên đỉnh núi Cấm.

Hiện nay, các nhà vườn ở núi Cấm đang vào vụ thu hoạch. Vựa trái cây của anh Bùi Văn Đen (48 tuổi), ngụ xã Núi Cấm luôn có hơn chục người dân ngồi lựa trái cây, rau, măng để cân giao cho tiểu thương. Nhờ chí thú làm ăn, vài năm nay gia đình anh Đen khấm khá, mua thêm đất, mở rộng vựa.

Chỉ tay về hướng những trái sầu riêng chất đầy trước vựa trông rất bắt mắt, chị Thảo - vợ anh Đen giới thiệu: “Đây là sầu riêng do người dân trồng trên núi Cấm, không dùng phân hay thuốc bảo vệ thực vật. Cây phát triển tự nhiên nhờ khí hậu mát lạnh quanh năm trên đỉnh núi. Vào mùa, sầu riêng tự chín và rụng trong vườn, người dân chỉ cần nhặt mang xuống núi bán cho các vựa”. Nghe chị giới thiệu, chúng tôi mua vài trái, tiện tay nhờ chị khui tại chỗ để thưởng thức. Sầu riêng núi Cấm chủ yếu loại hạt vừa, cơm trắng, vị ngọt thanh, béo nhẹ, không gắt như sầu riêng miền đồng bằng.

Thấy tôi tấm tắc khen ngon, chị Thảo cười: “Sầu riêng ở đây không có phân, thuốc trừ sâu, mỗi năm chỉ cho trái vào mùa mưa. Vựa Đen Thảo mỗi ngày thu mua vài chục ký từ bà con”. Ngoài sầu riêng, vợ chồng anh Đen còn thu mua nhiều loại trái cây đặc sản khác như bơ, dâu xanh, dâu vàng, mãng cầu ta, măng Mạnh Tông, tất cả đều được trồng trên núi Cấm.

Không sử dụng phân, thuốc

Từ chân núi, chạy xe máy theo đường nhựa là có thể đến đỉnh. Vừa tới chùa Bình Sơn, chúng tôi hỏi thăm đường lên chùa Phật Lớn và gặp ông Đinh Văn Tươi đang chăm sóc khu vườn rộng hơn 1ha. Trong vườn, ông trồng đủ loại cây ăn trái như dâu, bơ, mít và sầu riêng.

Đi tiếp qua một dốc đá, chúng tôi tới thung lũng, nơi những cây sầu riêng cao tới 20m đang sai trĩu trái. Ông Tươi cho biết ông trồng vườn này hơn 10 năm trước, khi lên núi lập nghiệp đã thấy người dân trồng sầu riêng và quyết định theo học. Giống cây này phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng núi Cấm - nơi “6 tháng nắng, 6 tháng mưa”. Dù không dùng phân bón hay thuốc kích thích, sầu riêng vẫn phát triển mạnh. “Vườn tôi không sử dụng phân hay thuốc bảo vệ thực vật. Tới mùa, trái tự chín và rụng. Ăn rất ngon, tốt cho sức khỏe”, ông Tươi nói.

Tuy nhiên, việc giữ được trái sầu riêng chín nguyên vẹn không dễ, vì thường bị chuột, sóc và các loài gặm nhấm phá hoại. Các nhà vườn nghĩ ra nhiều cách độc đáo để bảo vệ trái, có người dùng lưới thép bọc quanh trái, có người treo chùm vỏ lon bia rồi giật dây tạo tiếng động để xua đuổi thú phá hoại.

Trên đường về, chúng tôi ghé chùa Vạn Linh, gặp bà Nguyễn Thị Hương đang bán sầu riêng, giá 70.000 đồng/kg. Bà Hương trồng hơn 50 cây bên Cao Đài Tự, khu vực hồ Thanh Long chia sẻ: “Muốn có sầu riêng chín để mang đi bán, phải dậy sớm ra vườn nhặt. Sầu riêng núi chỉ ra trái vào mùa mưa, không phân, không thuốc, nên giá vậy là hợp lý”.

Những ngày này, về Bảy Núi sẽ thấy người dân tất bật trồng trọt, thu hoạch, gùi trái cây xuống núi bán cho tiểu thương. Họ làm việc quanh năm trên núi cao, gửi gắm hy vọng vào từng mùa trái ngọt để có thu nhập, chăm lo cuộc sống gia đình. Người dân nơi đây không ngại nắng mưa, không quản núi dốc, vẫn bám đất, giữ nghề. Những chuyến trái cây xuôi xuống núi không chỉ mang hương vị núi rừng mà còn chở theo cả nghị lực và niềm tin vào ngày mai tốt đẹp.

Bài và ảnh: THÀNH CHINH