.jpg)
Nông dân xã Bình Hòa đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Hòa Nguyễn Viết Thanh cho biết xã đã tận dụng hiệu quả lợi thế địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Chính quyền chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đầu tư hệ thống trạm bơm điện bảo đảm việc tưới tiêu. Đồng thời, xã cũng tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn để hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh, theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
6 tháng đầu năm 2025, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Bình Hòa đạt năng suất và chất lượng khá cao. Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân và hè thu đạt gần 6.270ha, trong đó lúa gần 5.188ha, trồng màu và cây ăn trái hơn 1.000ha. Diện tích áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” đạt 72,67%, chương trình “3 giảm, 3 tăng” đạt 98,9% diện tích xuống giống. Chăn nuôi gia súc, gia cầm duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, với tổng đàn 48.064 con. Diện tích thả nuôi thủy sản đạt 132,53ha, sản lượng thu hoạch hơn 98 tấn.
Xã Bình Hòa tích cực triển khai thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn. Địa phương quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm OCOP.
Hiện nay, toàn xã có 5 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao, gồm nước cốt nhàu, khô cá lóc Ngọc Nhi, trà sen Cỏ Ngọt, trà lá vối Cỏ Ngọt, nước cốt nhàu mật ong. “Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng của địa phương, xã đề ra các giải pháp để cơ cấu lại các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, ưu tiên đầu tư phát triển các nông sản đặc trưng của địa phương và có tính cạnh tranh cao”, bà Nguyễn Viết Thanh nói.
Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả và đất vườn tạp sang trồng cây màu, cây ăn trái được người dân hưởng ứng tích cực. Nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm sạch, an toàn được triển khai thí điểm và nhân rộng.
Không ngừng tìm tòi, học hỏi cùng sự hỗ trợ tích cực của các ngành chuyên môn, anh Lê Thanh Tuấn, ngụ ấp An Hòa không chỉ thành công với việc nuôi lươn thương phẩm mà còn cung ứng lươn giống cho thị trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lát gạch men của anh Tuấn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
Anh Tuấn cho biết: “Nuôi lươn trong bể lát gạch men kết hợp tạo các lớp giá thể bằng phao quây lưới để lươn trú ẩn, giúp người nuôi dễ vệ sinh, dễ thay nước. Để kiểm soát bệnh tốt hơn và giúp lươn phát triển thuận lợi, nhất là lươn giống, tôi đã xây dựng hệ thống xử lý nước khép kín để đảm bảo nguồn nước sạch”.
Theo bà Nguyễn Viết Thanh, xác định nông nghiệp là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Bình Hòa tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương; xây dựng nhiều vùng chuyên canh tập trung, nâng cao giá trị sản xuất. Cùng với đó, xã hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học, kỹ thuật, giảm giá thành, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Địa phương cũng tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU