Cào ốc đinh, thu tiền triệu mỗi ngày

23/07/2025 - 07:00

 - Vài năm gần đây, nhiều người dân vùng Miệt Thứ có thu nhập khá ổn định từ việc cào ốc đinh bán cho thương lái thu mua làm thức ăn cho tôm, cua. Ít vốn nhưng cần nhiều sức, người cào ốc có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng/ngày.

Người dân lặn cào ốc đinh dọc theo con kênh ở vùng Miệt Thứ.

Tờ mờ sáng, dọc theo các con kênh ở vùng Miệt Thứ, dễ dàng bắt gặp từng nhóm người trầm mình dưới nước để cào ốc đinh. Mỗi nhóm có khoảng 2 - 3 người. Mỗi người một việc, người cào, người lựa ốc. Theo nhiều người làm nghề cào ốc đinh, việc cào ốc thường bắt đầu vào khoảng 5 giờ và kết thúc vào khoảng 18 giờ. Dụng cụ làm nghề rất đơn giản, gồm một chiếc cào tự chế bằng khung sắt gắn với túi lưới, một vài bao tải, thau lớn để đựng ốc đinh.

Nổi lên sau khi ngụp lặn dưới dòng nước, ông Phan Văn Tuấn, ngụ xã Vĩnh Hòa cho biết: “Thấy nhiều thương lái thu mua ốc đinh nên vài năm nay nhiều người dân đi cào ốc để bán. Vợ chồng tôi cũng tranh thủ thời gian rỗi đi cào ốc đinh kiếm thêm thu nhập. Nếu siêng năng một chút, mỗi ngày có thể kiếm khoảng một triệu đồng”.

Làm nghề cào ốc đinh hơn 12 năm, anh Phạm Hoài Minh, ngụ xã An Minh chia sẻ: “Sáng sớm khoảng 4 giờ, cả nhóm cùng xuất phát đi các con sông, kênh để cào ốc; đến tầm 16 giờ thì về. Tôi nghe thương lái nói ốc này họ mua để bán lại cho các chủ vuông làm thức ăn cho tôm, cua giúp tăng canxi, nhất là cua cái nhanh có gạch, gạch cũng chắc hơn”.

Theo anh Minh, ốc đinh vùng Miệt Thứ là loại ốc nhỏ, con lớn nhất chỉ cỡ đầu đũa ăn, khác với loài ốc thân dài, đuôi nhọn thường thấy bán ngoài chợ. Nghề cào ốc đinh khá cực nhọc, phải dầm mưa dãi nắng, đòi hỏi người làm chịu được lạnh vì phải ngâm mình dưới nước liên tục nhiều giờ. Sau khi cào, thợ chở ốc về nhà, rửa sạch rồi mới bán cho thương lái hoặc các chủ vuông. “Lúc đầu chưa quen thì rất khó, lại bị nước ăn, tay chân đau rát, nhưng dần dần rồi cũng quen. Vì con cái, gia đình nên tôi ráng theo nghề để có thu nhập trang trải cuộc sống”, anh Minh nói.

Nhiều người cào ốc đinh cho biết, nhiều khi họ phải di chuyển từ con kênh này sang kênh khác. Trong lúc lội nước có thể giẫm phải mảnh chai vỡ làm đứt chân, tay. Dù vất vả, nhưng bù lại có thu nhập khá ổn định nên nhiều người vẫn gắn bó với nghề.

Anh Đào Văn Phương, thợ cào ốc đinh ngụ xã Đông Hòa cho biết: “Ốc đinh thường có nhiều ở khu vực nuôi tôm càng xanh nên tôi thường tìm đến những nơi đó để cào. Nghề này tuy cực nhưng có tiền lo cho cuộc sống gia đình. Hiện ốc đinh bán với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày tôi cào được 100kg ốc, sau khi trừ chi phí ăn uống, xăng, dầu lãi khoảng 400 ngàn đồng”.

Cũng giống như một số nghề khác, nghề cào ốc đinh có lúc trúng, lúc thất. Gặp ngày trúng, mỗi người có thể cào được cả trăm ký ốc là chuyện thường. Nếu “xui” thì công sức bỏ ra chỉ đổi lại vài ba ký ốc, coi như mất trắng tiền xăng. Anh Nguyễn Trường Thịnh, ngụ xã Vĩnh Bình kể: “Hôm rồi mấy anh em kéo nhau xuống tận Thới Bình (Cà Mau) cào ốc đinh thử, ai ngờ cào cả ngày mà chưa được 100kg ốc. Cuối cùng đành ngậm ngùi chịu lỗ”.

Hiện nay, nghề cào ốc đinh được thực hiện theo hai hình thức chính: Lặn cào thủ công bằng tay hoặc sử dụng vỏ máy để cào. Với phương pháp cào tay, thợ không phải tốn chi phí xăng, dầu, nhưng lượng ốc thu được thường ít hơn so với việc dùng vỏ máy.

Anh Phạm Hoài Minh chia sẻ: “Cào bằng vỏ máy thì chi phí xăng, dầu khá lớn, chỉ khi nào trúng thì mới có lãi, còn không thì bị lỗ. Vợ chồng tôi cứ sáng lên xe đi, đến điểm nào có ốc thì xuống cào, chiều lại về nhà. Dù cào tay vất vả hơn so với dùng máy, nhưng cách này chắc ăn hơn vì làm theo công sức mình bỏ ra, không phải lo chuyện chi phí phát sinh”.

Bài và ảnh: THỦY TIÊN