Ảnh minh họa
Các loại vaccine nói chung thường đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm trước khi được đưa vào sử dụng. Đến nay, 44 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người. Đây được coi là tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử nghiên cứu và điều chế vaccine.
Các nhà khoa học thế giới bắt tay vào nghiên cứu vaccine COVID-19 kể từ tháng 1-2020, khi Trung Quốc công bố dữ liệu về trình tự gene của nCoV. Quá trình thử nghiệm trên người bắt đầu vào tháng 3, một số thu được kết quả khả quan. Song, con đường phía trước vẫn chưa chắc chắn.
Cuộc đua vaccine COVID-19 toàn cầu diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết khi Nga đứng trước cơ hội cao trở thành nước đầu tiên công bố dữ liệu về thử nghiệm vaccine giai đoạn 3. Nga đang lên kế hoạch công bố kết quả sơ bộ thử nghiệm vaccine Sputnik V vào cuối tháng 10, sau 6 tuần đầu theo dõi. Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya, nơi phát triển vaccine, cho biết Nga đã làm Sputnik V với "tốc độ thời chiến", song luôn bảo đảm không đi tắt bất kỳ giai đoạn nào. Nga đặt mục tiêu Sputnik V đạt hiệu quả hơn 75% so với giả dược, vượt ngưỡng 50% mà Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đặt ra.
"Ứng viên" tiềm năng khác trong nhóm vaccine từ vector virus là của hãng dược Johnson & Johnson. Hãng bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1/2 hồi tháng 7. Kết quả ban đầu cho thấy vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch và đủ an toàn để chuyển sang quy mô lớn. 99% người tham gia thử nghiệm, từ 18 đến 55 tuổi, ở cả 2 nhóm, vaccine đã phát triển kháng thể chống lại nCoV sau 29 ngày tiêm. Tác dụng phụ bao gồm sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ thể và đau tại vùng tiêm... Thử nghiệm giai đoạn 3 được khởi động vào tháng 9 với tối đa 60.000 người tham gia.
Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca của Anh cũng lựa chọn công nghệ vector virus cho vaccine ChAdOx1. Trong thử nghiệm giai đoạn 1/2, sản phẩm không gây ra bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Các nhà khoa học báo cáo rằng mũi tiêm giúp cơ thể sản sinh kháng thể chống nCoV. Thử nghiệm giai đoạn ba được tiến hành tại Brazil, Nam Phi và Mỹ. Song đến ngày 6-9, AstraZeneca ngừng nghiên cứu trên toàn cầu bởi một tình nguyện viên phát triển triệu chứng viêm tủy ngang. Các thử nghiệm ở Brazil, Nam Phi được nối lại một tuần sau đó.
Trong khi đó, vaccine lao BCG sẽ được thử nghiệm trên các nhân viên y tế tuyến đầu ở Anh về hiệu quả chống lại COVID-19. Nghiên cứu trên ở Anh là một phần của thử nghiệm hiện có do Australia dẫn đầu được khởi động vào tháng 4 và cũng được thử nghiệm ở Hà Lan, Tây Ban Nha và Brazil. Vaccine BCG cũng đang được thử nghiệm để bảo vệ chống lại COVID-19 ở Nam Phi.
Trung Quốc xem phát triển vaccine nCoV như một "nhiệm vụ chính trị quan trọng", 4 trong tổng số 10 "ứng viên" tiến nhanh đến thử nghiệm giai đoạn cuối. Tính đến tháng 10, 4 trong số 10 "ứng viên" vaccine COVID-19 của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn 3- thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới. Đây là bước thử nghiệm cuối cùng và quan trọng nhất trước khi nộp đơn xin chấp thuận lên cơ quan quản lý.
Hai trong số đó là "ứng viên" do Biotech (CNBG) phát triển. CNBG vốn là công ty trực thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), một đơn vị của nhà nước. Một "ứng viên" khác là CoronaVac, được phát triển bởi hãng dược Sinovac Biotech. Vaccine cuối cùng trong nhóm 4 loại đang ở giai đoạn 3 do Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh liên kết với quân đội Trung Quốc và Công ty vaccine CanSino Biologics hợp tác phát triển.
Các chuyên gia Trung Quốc hầu hết đều thể hiện sự lạc quan và tự tin rằng các "ứng viên" sẽ sớm cho kết quả tích cực. Hiện các đơn vị phát triển vẫn tiếp tục thu thập số liệu thử nghiệm lâm sàng diện rộng, chuẩn bị nộp đơn xin chấp thuận lưu hành từ các đơn vị liên quan.
Theo AN BÌNH (Chính phủ)