Cứu cậu bé Campuchia bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết vì cúm A

06/05/2023 - 19:12

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, ho đàm, thở mệt, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết kèm tổn thương gan cấp. Các bác sĩ xác định bé nhiễm cúm A, chủng H1.

Ngày 6-5, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) cho biết các bác sĩ vừa điều trị thành công cho bệnh nhi hơn 3 tuổi người Campuchia bị viêm phổi, tổn thương gan cấp, nhiễm trùng huyết vì cúm A.

Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, ho đàm, thở mệt, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết kèm tổn thương gan cấp. Các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm, ghi nhận kết quả phim X-quang ngực bé có tổn thương phổi 2 bên và nhiễm cúm A, chủng H1.

Sau 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhi đã hồi phục, hết biến chứng viêm phổi, hô hấp ổn định. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Bệnh nhi được chuyển từ Khoa Nội tổng hợp đến Khoa Nhiễm và phải đặt nội khí quản, thở máy. Tuy nhiên, do thể trạng suy dinh dưỡng, tình trạng phổi xấu nên bé phải thở máy với thông số cao, truyền dịch, dùng thuốc kháng virus và kháng sinh, hỗ trợ nuôi ăn, nâng cao thể trạng.

Sau 1 tháng điều trị, chăm sóc tích cực, bệnh nhi thoát được biến chứng viêm phổi nặng, cai máy thở. Hiện nay, bé hô hấp ổn định, ăn uống tốt qua đường miệng.

6 học sinh ở TP HCM dương tính với cúm A/H1N1 có đáng lo?

TP HCM phát hiện chùm ca cúm A/H1N1 tại trường học

TP HCM giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng có dịch cúm A/H5N1

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm A là loại bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm A gây ra, rất dễ lây từ người bệnh sang người lành qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc.

Các bác sĩ khuyến cáo trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng nguy cơ dễ bị biến chứng nặng khi nhiễm cúm. Vì vậy, cha mẹ có thể phòng ngừa chủ động bằng cách tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm cho trẻ.

Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A/H1N1, người bệnh thường có các triệu chứng: Sốt, thường trên 38oC, ớn lạnh; đau họng; nhức đầu; đau mình, nhức cơ; ho khan; xổ mũi; mệt mỏi và suy nhược; tiêu chảy và ói mửa.

Để phòng chống cúm A/H1N1, Bộ Y tế khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp đối với cúm mùa thông thường như: Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm. Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

Bên cạnh đó, người dân có thể tiêm vắc-xin để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Theo LIÊN ANH (Người Lao Động)