Sản phụ mắc COVID-19 đã hồi phục sức khoẻ. Ảnh: Đặng Thanh.
Bệnh nhân thứ nhất là sản phụ N. T.N, nữ, 33 tuổi ở Bắc Ninh là sản phụ mang thai lần 2 đã 32 tuần, có tiền sử bệnh gù cột sống bẩm sinh được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 7-6. Bệnh nhân được điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, cho thở oxy kính, thở oxy lưu lượng cao không đáp ứng, ngày càng khó thở tăng dần.
Ngày 11-6, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đánh giá tình trạng và quyết định can thiệp đặt nội khí quản, thở máy thông số kĩ thuật cao, để bảo tồn tính mạng cho cả mẹ và con. Sau can thiệp bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực ngày 13-6-2021. Bệnh nhân được an thần thở hoàn toàn theo máy, nồng độ oxy tối đa 100%, chế độ với thông số kĩ thuật cao dành cho bệnh nhân ARDS, qua phân tích các chất khí trong máu, cho thấy chỉ số chức năng phổi rất xấu, (chỉ số P/F đạt 100).
Lúc đó bệnh nhân đã trong tình trạng trụy tim mạch và phải hồi sức nâng huyết áp bằng việc bù dịch và duy trì thuốc vận mạch. Với tình trạng nặng, sốc do độc tố virus, tụt huyết áp, phù ngoại vi và mí mắt; các bác sĩ đã phải ngay lập tức can thiệp đặt catherer động mạch theo dõi huyết động và lọc máu hấp phụ Cytokines, duy trì cân bằng dịch, cân bằng nội môi cho sản phụ.
Song song với việc hồi sức cấp cứu cho mẹ, tình trạng sức khỏe thai nhi cũng được đánh giá sát sao, theo dõi tim thai, cơn co tử cung 2 lần/ngày, đồng thời các bác sĩ chuyên khoa sản cũng giải thích, tiên lượng, trao đổi về hướng xử trí để an toàn nhất có thể cho em bé.
Ngày thứ 2 tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân xuất hiện nhiều rối loạn, rối loạn điện giải (magie, canxi), rối loạn đông máu nặng nề, giảm albumin máu; các bác sĩ tiếp tục chỉ định lọc máu lần thứ 2, kết hợp bù điện giải và albumin, chăm sóc tích cực khác cho sản phụ.
Sang ngày thứ 3, mặc dù không tìm thấy điểm chảy máu, nhưng bệnh nhân có dấu hiệu mất máu nặng, huyết sắc tố giảm mạnh, các bác sĩ phải chỉ định truyền khối hồng cầu cấp cứu.
Ngày 22-6, sau 12 ngày thở máy và điều trị tích cực, kết hợp sử dụng an thần vận mạch, bù hồng cầu, albumin và điện giải, kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch và lọc máu 3 lần liên tiếp, bệnh nhân đã được đánh giá có tiến triển tốt, nhưng còn tiên lượng thở máy kéo dài, các bác sĩ chỉ định mở khí quản chăm sóc hô hấp tích cực.
Đến ngày 26-6, sau 16 ngày nhập viện và thở máy, cộng nuôi dưỡng thai; qua thăm khám, các bác sĩ sản khoa thấy bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, tuổi thai được 35 tuần, cân nặng tương đương tuổi thai. Cùng ngày, các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn các chuyên khoa, thống nhất chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu; bé gái nặng 2,3kg đã chào đời an toàn.
Sau mổ, cả mẹ và con bệnh nhân đều có sức khỏe tạm thời ổn định. Em bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi tiếp, bệnh nhân được chuyển lại khoa Hồi sức tích cực tiếp tục thở máy, điều trị bệnh COVID-19 giai đoạn tiến triển nặng.
Sau khi mổ lấy thai an toàn, sức khỏe sản phụ ổn định, không chảy máu, không phù, không xuất huyết, tình trạng phổi tốt lên. Đến ngày 28/6, bệnh nhân được bỏ máy thở thành công.
Ngày 1-7, bệnh nhân được rút nội khí quản, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần thứ nhất.
Đến hôm nay (4-7), bệnh nhân đã có sức khỏe rất tốt, tự đi lại bình thường tinh thần ổn định, được chuyển lên khoa Nội tổng hợp tiếp tục theo dõi đến khi đủ điều kiện xuất viện.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, con của bệnh nhân hiện ổn định, sức khỏe tốt. Các bác sĩ sẽ sớm đưa em bé về với mẹ trong 1, 2 ngày tới.
Đây cũng là em bé thứ 5 chào đời tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ người mẹ mắc COVID-19 trong đợt dịch này.
Bệnh nhân thứ 2 vừa được cứu chữa thành công là bệnh nhân N.X.H, 59 tuổi ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, có yếu tố dịch tễ và được phát hiện dương tính vào ngày 9-6. Sau 9 ngày điều trị tuyến dưới, bệnh nhân tiến triển nặng, ho, khó thở nhiều, co kéo cơ hô hấp, sau 7 giờ thở oxy lưu lượng cao tình trạng không cải thiện, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân vào khoa Hồi sức tích cực ngày 19-6. Ngay sau khi vào khoa, bệnh nhân được an thần, thở máy thông số kỹ thuật cho bệnh nhân ARDS, lọc máu hấp phụ Cytokines 3 lần liên tiếp. Rất may mắn cho bệnh nhân đến ngày 26-6, sau 8 ngày thở máy, chăm sóc tích cực, 3 lần lọc máu; bệnh nhân đã được rút ống thở thành công.
Hôm nay (4-7), bệnh nhân ổn định, sức khỏe tốt, đi lại bình thường, được chuyển ra khỏi ICU
Bệnh nhân thứ 3 được cứu chữa thành công là bệnh nhân B.V.N, nam, 61 tuổi ở Đà Bắc, Hòa Bình. Bệnh nhân có tiền sử sốt rét, đợt trước vào viện có sốt không rõ nguyên nhân, gầy sút cân nhiều. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ và phát hiện dương tính vào ngày 7-5.
Ngày 14-5, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng phải can thiệp đặt ống nội khí quản và thở máy, thể trạng suy kiệt, chức năng phổi suy giảm nặng nề.
Bệnh nhân được thở máy từ 14-5- 29-6, và lọc máu 3 hấp phụ Cytokinse 3 lần, chăm sóc toàn diện, nuôi dưỡng qua ống thông kết hơp với nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Đến hôm nay (4-7), sau 51 ngày chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân ổn định sức khỏe, tự thở khí phòng tốt, tỉnh táo, tiếp xúc được, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 6 lần liên tiếp. Bệnh nhân đã được chuyển tuyến dưới tiếp tục điều trị nâng cao thể trạng.
Hiện, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 26 bệnh nhân nặng, 9 ca phải chạy hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) trong số 22 ca thở máy.
Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, tại đây đã có 26 ca bệnh COVID-19 nặng đã hồi phục.
Theo TẠ NGUYÊN (Báo Tin Tức)