Đời sống thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ngày càng khởi sắc
Từ đồng bào Chăm…
Bên cạnh những ngôi thánh đường hoa lệ và đời sống văn hóa độc đáo, cộng đồng người Chăm ở An Giang khá đam mê hoạt động thể thao, nhất là môn bóng đá. Tại xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), chính quyền địa phương đều đặn duy trì, tổ chức Giải bóng đá dân tộc Chăm hơn 15 năm nay. Đây là giải đấu mang tính cộng đồng khá cao, với sự có mặt của nhiều đội bóng đến từ các làng Chăm trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Long Hồ (công chức văn hóa - xã hội xã Khánh Hòa) thông tin: “Giải bóng đá dân tộc Chăm xã Khánh Hòa nhằm chào mừng hoàn thành tháng chay Ramadan, trở thành hoạt động thể thao đặc biệt của địa phương hàng năm. Chính niềm đam mê cuồng nhiệt của cộng đồng người Chăm đã giúp cho giải đấu ngày càng phát triển về quy mô, chất lượng và thu hút nhiều đội bóng từ địa phương khác đến tham gia với tinh thần đoàn kết, vui tươi”.
Theo ông Nguyễn Long Hồ, những thanh niên người Chăm thường tham gia chơi bóng hàng ngày với nhau tại sân vận động của xã để thỏa mãn niềm đam mê với quả bóng tròn. Ngoài giải bóng đá chào mừng hoàn thành tháng Ramadan, xã Khánh Hòa còn có giải bóng đá tứ hùng cũng trở thành truyền thống, với sự tham dự của đội Roky Yah ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu), đội bóng người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh, đội bóng Công an xã Khánh Hòa và đội bóng làng Chăm ở Khánh Hòa.
“Với sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã Khánh Hòa, sự hỗ trợ chuyên môn của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Phú, giải đấu ngày càng hấp dẫn với tinh thần thi đấu “fair-play” của các đội tham dự. Nếu đội bóng nào có thái độ thi đấu không đẹp thì Ban Tổ chức sẽ không mời tham dự ở lần tiếp theo. Hầu hết các lần tổ chức đều rất thành công, với tinh thần thi đấu trung thực, cao thượng, đoàn kết của các đội bóng tham dự.
Do đó, Giải bóng đá làng Chăm xã Khánh Hòa trở thành nét riêng trong phong trào thể thao tại địa phương nhiều năm qua. Hiện nay, UBND xã đang nỗ lực duy trì, phát triển giải đấu này nhằm góp phần làm phong phú thêm đời sống thể chất, tinh thần cho cộng đồng Chăm tại xã Khánh Hòa. Từ đó, tạo thêm sự gắn kết, động viên người dân cùng tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương”- ông Nguyễn Long Hồ cho hay.
…đến đồng bào Khmer
Là địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, huyện Tri Tôn luôn tạo điều kiện để bà con thỏa niềm đam mê thể thao. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn Thái Quốc Bình cho biết: “Đồng bào DTTS Khmer rất yêu thích thể thao. Mỗi khi có sự kiện do địa phương tổ chức, bà con tham gia rất sôi nổi. Ở những địa bàn xa không có điều kiện thuận lợi, họ chơi thể thao theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Với những hộ Khmer sống gần trung tâm huyện, xã thì họ tham gia hoạt động thể chất thường xuyên, nhất là các môn bóng đá, bóng chuyền, bơi lội…”.
Theo ông Thái Quốc Bình, ngoài tính chất phong trào thì nguồn lực vận động viên thể thao trong đồng bào DTTS Khmer khá tốt. Do đó, nếu được tổ chức tập luyện thường xuyên thì nhiều cá nhân sẽ thể hiện được khả năng của mình ở những giải đấu cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực. Những năm trước, lực lượng vận động viên thể thao của huyện Tri Tôn khi tham dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer đều đạt thành tích rất khả quan. Do đó, huyện miền núi này cùng với huyện Tịnh Biên là 2 địa phương chủ lực đóng góp vận động viên cho tỉnh để tham dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ.
Dù tham gia khá nhiều môn thể thao nhưng đồng bào DTTS Khmer vẫn rất yêu thích hoạt động đua bò truyền thống. Trong các giải đua bò cấp tỉnh, cấp huyện, có rất đông cổ động viên người Khmer đến sân cổ vũ. Hình ảnh những đôi bò dũng mãnh phi nước đại về đích luôn để lại những ấn tượng đẹp và phút giây hào hứng cho người xem. Đó là biểu tượng cho tinh thần đam mê thể thao và ý thức văn hóa cộng đồng rất cao của người Khmer tại huyện Tri Tôn nói riêng và vùng Bảy Núi nói chung. Với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn, môn đua bò từ hoạt động dân gian đã trở thành nét đẹp văn hóa - thể thao đặc trưng của địa phương, được du khách trong cả nước yêu thích.
Với tinh thần đam mê sẵn có, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh rất cần những sân chơi thể thao bổ ích nhằm làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần. Đó là động lực để họ vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, cùng chung tay xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển.
THANH TIẾN