Trong phiên họp chiều 22/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, so với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, gồm 9 chương, 89 điều. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ...
Các đại biểu tại phiên họp chiều 22/5.
Nhất trí cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
Một nội dung đáng chú ý là quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với dự thảo luật; một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.
Sẽ quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để nâng cao ý thức người lái xe?
Một nội dung đáng chú ý khác là về hạng giấy phép lái xe, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, một số đại biểu đề nghị quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe trong luật, không giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời, đề nghị quy định cho phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
"Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng quy định các hạng giấy phép lái xe theo hướng kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phân hạng bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ; đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định các loại giấy phép lái xe đã cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực; trường hợp cấp lại thì mới cấp theo quy định của luật này, nên không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp giấy phép lái xe", Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ.
Về điểm của giấy phép lái xe, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để nâng cao ý thức người lái xe.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Điều 58 về điểm của giấy phép lái xe. Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta. Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
"Người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm", Chủ nhiệm Lê Tấn Tới thông tin.
Theo ANH PHƯƠNG (QĐND)