Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đóng góp dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

18/06/2024 - 15:12

 - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 18/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương đóng góp bố cục của Luật; về hệ thống Công đoàn Việt Nam theo mô hình tổ chức 4 cấp; trách nhiệm của công đoàn trong việc bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động.

Cụ thể, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương khẳng định, việc sửa đổi Luật Công đoàn góp phần giải quyết vướng mắc, bất cập nảy sinh, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của công đoàn, đáp ứng hơn nữa quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới. Về hệ thống tổ chức công đoàn các cấp, thống nhất việc quy định cụ thể trong luật theo mô hình tổ chức 4 cấp. Việc quy định cụ thể này sẽ tạo ra sự tương đồng giữa Luật Công đoàn và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản, luật khác liên quan.

Về bố cục, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng dành cả Khoản 1, Điều 8 để xác định mô hình tổ chức 4 cấp, đồng thời tách riêng Điểm e ra khỏi Khoản 1, tránh gây hiểu lầm về số lượng các cấp công đoàn; xác định rõ công đoàn đơn vị hành chính đặc biệt thuộc cấp nào trong 4 cấp này.

Hiện nay, quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn và công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được quy định ở Luật An toàn, vệ sinh lao động (Điều 9, 10). Trong khi đó, Khoản 13, Điều 11 dự thảo luật quy định “công đoàn có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; tham gia điều tra tai nạn lao động…”. Theo đại biểu, việc thể hiện như vậy chưa thống nhất với Luật An toàn, vệ sinh lao động, cần nghiên cứu theo hướng rõ hơn, đầy đủ hơn.

Đối với Điều 16 và 17 (về giám sát của công đoàn và phản biện xã hội), đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc thêm quy định về phạm vi, nội dung, phương thức thực hiện nhiệm vụ chủ trì giám sát và chủ trì phản biện xã hội; trách nhiệm, hướng dẫn thực hiện của Tổng Liên đoàn Lao động về nội dung chủ trì giám sát và chủ trì phản biện xã hội cho các cấp công đoàn khi Luật có hiệu lực thi hành… Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Nhà nước đối với tổ chức công đoàn theo Khoản 5, Điều 24; việc quản lý sử dụng tài chính công đoàn tại Điều 30.

GIA KHÁNH