Đại đoàn kết - cội nguồn sức mạnh của mọi thành công

17/11/2022 - 06:00

 - Đoàn kết là một truyền thống quý báu, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam. Trong 92 năm qua, từ khi có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào các dân tộc trong cả nước luôn một lòng đi theo Đảng để xây dựng sự nghiệp cách mạng. Thông qua MTTQ Việt Nam, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường và phát huy.

Tỉnh An Giang luôn quan tâm, chăm lo đồng bào dân tộc, tôn giáo. Ảnh: T.THẢO

Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo

Chăm lo cho hộ nghèo, gia đình khó khăn. Ảnh: T.THẢO

Tạo động lực cho sự phát triển

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đại đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Người cho rằng, trước hết, cần tuyên truyền, vận động nhân dân; phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, Đảng phải làm cho nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, nhà nước với nhân dân. Coi đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc trong dựng nước và giữ nước, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng.

Đại đoàn kết là một chiến lược lớn của cách mạng và trở thành sứ mệnh của MTTQ. 92 năm qua (18/11/1930 - 18/11/2022), MTTQVN vẫn là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, nhà nước với nhân dân không chỉ là trách nhiệm của Đảng và nhà nước, mà còn là trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân. Do đó, qua hoạt động của mình, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, nhà nước và nhân dân luôn luôn bền chặt, ý Đảng và lòng dân là một.

Nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11) trở thành nét đẹp truyền thống, góp phần đưa công tác mặt trận về với người dân, với cộng đồng dân cư tại cơ sở. Ngày hội là dịp chúng ta ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng, đề cao vai trò của MTTQVN trong thời kỳ mới.

Năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KTXH). Kết quả này khẳng định sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã tạo động lực, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân cùng với cả hệ thống chính trị không chỉ tạo động lực cho phát triển kinh tế, mà còn thể hiện nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.

Giúp dân sửa chữa, nâng cấp lộ giao thông nông thôn

Giúp dân khắc phục thiên tai. Ảnh: KHÁNH HƯNG

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã phát huy truyền thống tự lực, tự cường, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tiềm năng lợi thế, chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ quê hương, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Sau tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cùng với cả nước, An Giang có sự phục hồi ấn tượng trong 9 tháng của năm 2022, với tốc độ kinh tế (GRDP) vượt kịch bản đề ra (tăng 6,47% so kịch bản 5,28%). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp từng bước được khôi phục mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch nhộn nhịp trở lại, thu hút hơn 6,7 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch. Trong 9 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 857 triệu USD; thu ngân sách nhà nước 5.883 tỷ đồng, đạt trên 95% dự toán được giao…

Đời sống người dân và hạ tầng nông thôn có chuyển biến rất lớn. Toàn tỉnh hiện có 68/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 58,62%), trong đó có 27 xã nông thôn mới nâng cao. Kết quả này là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, chung tay góp sức của nhân dân, góp tiền, hiến đất, góp ngày công làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi.

Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động và triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, như: Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; tổ tương trợ, mô hình “Nắm gạo tình thương”; tích cực đóng góp Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cây mùa xuân, Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19… Đặc biệt, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng nhân dân đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu và đạt nhiều hiệu quả khả quan.

Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng trở nên sống động và mang tính thời sự, ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh đất nước nói chung và An Giang nói riêng đang chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội, nỗ lực vượt qua thách thức của quá trình hội nhập ngày một sâu rộng.

 Để tăng cường củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; đẩy mạnh phát triển KTXH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới....

“An Giang tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, “Tương thân tương ái” trong đời sống, phát triển KTXH nhằm tạo nguồn lực mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển quê hương An Giang, để mọi người, mọi nhà có cuộc sống tốt đẹp hơn”- Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân mong muốn.

THU THẢO