Nghĩa tình người lính biển

28/04/2025 - 06:20

Trên khắp các vùng biển của Tổ quốc, nơi ngư dân ngày đêm vươn khơi giữ nghề truyền thống giữa muôn trùng sóng dữ, bên cạnh họ luôn có những người lính biển âm thầm sát cánh, sẻ chia từng lúc nguy nan. Một trong những hoạt động nhân văn, lan tỏa yêu thương và trách nhiệm cộng đồng mà Quân chủng Hải quân thực hiện thời gian qua chính là “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”.

“Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” là hoạt động nhân văn, thắm tình quân - dân do Quân chủng Hải quân phát động, triển khai tại 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước. Chương trình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, động viên trẻ dưới 18 tuổi là con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là những trường hợp mồ côi; cha mẹ bị tai nạn, thương tích trong quá trình mưu sinh trên biển, mất khả năng lao động, hoặc thuộc diện hộ nghèo, gia đình khó khăn.

Đại tá Ngô Văn Thành (Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) cho biết: “Chúng tôi xác định đây không chỉ là hoạt động giúp đỡ đơn thuần, mà còn là trách nhiệm, nghĩa tình thiêng liêng của người lính biển đối với bà con ngư dân. Qua đó, vừa kịp thời hỗ trợ, tiếp thêm nghị lực giúp các cháu vượt qua hoàn cảnh, yên tâm học tập, vừa góp phần củng cố tình đoàn kết quân - dân, tạo nền tảng để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, cùng lực lượng Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khảo sát, lập danh sách, nhận đỡ đầu 4 cháu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Cà Mau; hỗ trợ kinh phí thường xuyên 500.000 đồng/tháng/cháu, cùng sách vở, đồ dùng học tập, y tế, nhu yếu phẩm và nhiều hoạt động đồng hành, chăm sóc cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Kinh phí thực hiện hoạt động này được cán bộ, chiến sĩ đơn vị chắt chiu, tiết kiệm từ nguồn tăng gia sản xuất.

Thượng tá Đặng Trọng Sơn, Phó Chính ủy Trung đoàn 551 động viên con ngư dân đơn vị nhận đỡ đầu học tập

Hoạt động này thực sự là điểm sáng nhân văn, là nhịp cầu nối bền chặt giữa người lính biển với Nhân dân. Không chỉ mang lại giá trị vật chất thông qua suất học bổng, hỗ trợ y tế, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm… mà điều đáng quý hơn chính là tình cảm, sự yêu thương, sẻ chia chân thành được lan tỏa đến từng gia đình, từng cháu nhỏ kém may mắn. Nhiều gia đình ngư dân đã được tiếp thêm sức mạnh, vơi bớt phần nào gánh nặng cuộc sống nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành kịp thời của lực lượng hải quân.

Có những cháu từng đứng trước nguy cơ phải nghỉ học, nhưng nhờ hoạt động này, các cháu không những tiếp tục được đến trường, mà còn trở thành tấm gương vượt khó tiêu biểu trong cộng đồng. Mỗi trường hợp được nhận đỡ đầu đều là một câu chuyện đời đặc biệt, đầy xúc động. Như trường hợp của cháu Lã Mai Thùy Linh (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Ba mất vì tai nạn giao thông khi vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, mẹ bỏ nhà đi biền biệt, 2 chị em Linh sống nương tựa vào bà nội tuổi cao, sức yếu.

Ngày đơn vị đến thăm, căn nhà nhỏ xập xệ, trống trải, thiếu thốn đủ bề. Vậy mà ánh mắt 2 đứa trẻ vẫn sáng lên sự lễ phép, trong sáng và chất chứa hy vọng. Từ khi được Trung đoàn 551 (Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) và Nhà máy X55 (Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân) nhận đỡ đầu, các cháu được hỗ trợ kinh phí, sách vở, thuốc men, nhu yếu phẩm, thường xuyên được bộ đội đến thăm hỏi, động viên như người thân. Giờ đây, cháu đã tự tin, chăm ngoan, học tập tiến bộ rõ rệt.

Bà Trương Thị Khuyên (bà nội cháu Linh) bày tỏ: “Tôi thật sự xúc động trước tình cảm, nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Đây là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn đối với gia đình. Mong rằng, chúng tôi và các gia đình ngư dân khó khăn khác sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của bộ đội Hải quân…".

Một hoàn cảnh khác là cháu Lê Mỹ Duyên (phường An Thới, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Duyên phải sống nhờ nhà người thân. Ba em làm nghề đi biển, công việc bấp bênh; mẹ không có việc làm ổn định, thu nhập không đáng kể, chủ yếu lo việc nội trợ và chăm sóc các con. Duyên là chị cả trong gia đình có 4 chị em. Gánh nặng gia đình càng trở nên lớn hơn khi một người em của Duyên mắc chứng rối loạn phát triển, cần được chăm sóc đặc biệt.

Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, từ bữa ăn hàng ngày đến chi phí học hành, thuốc men, không ít lần Duyên nghĩ đến việc nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình. Hiểu được hoàn cảnh đó, Lữ đoàn 127 (Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) nhận đỡ đầu cháu Duyên, hỗ trợ đều đặn mỗi tháng và tiếp thêm niềm tin cho cháu. Nhờ vậy, Duyên được tiếp tục đến trường, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Ngôi nhà nhỏ mỗi lần bộ đội ghé thăm lại rộn rã tiếng cười, ánh mắt cháu Duyên sáng thêm niềm tin vào tương lai.

Theo đại tá Ngô Văn Thành, để hoạt động này tiếp tục được duy trì, lan tỏa sâu rộng, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của hộ ngư dân và cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng bước nhận đỡ đầu thêm nhiều trường hợp nữa.

Song song với việc hỗ trợ kinh phí, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm, y tế, đơn vị tăng cường thăm hỏi, động viên, đồng hành với các cháu như người thân trong gia đình. Mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ trở thành “người cha”, “người anh”, “người bạn lớn”, tiếp thêm nghị lực để các cháu vượt qua khó khăn, vững tin vươn lên trong học tập, trở thành những công dân tốt.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tham gia để phong trào lan tỏa sâu rộng hơn. Qua đó, tạo thành mạng lưới nhân ái, cùng chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ nơi biển, đảo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc nơi đầu sóng, ngọn gió” - đại tá Ngô Văn Thành bày tỏ.

VĂN ĐỊNH - HỮU HUYNH