Hồi ức của tướng lĩnh quân đội An Giang

30/04/2025 - 06:31

 - Họ là những vị tướng, tá từng vào sinh ra tử trong các chiến trường, thắng thua đều có, chứng kiến biết bao đồng đội hy sinh trước ngày non sông độc lập. Trong những đêm khó ngủ, họ luôn thấy đồng đội như thức cùng mình, như thời còn khói lửa, dẫu chiến tranh lùi xa nửa thế kỷ.

Lãnh đạo Quân khu 9 thăm thượng tướng Bùi Văn Huấn

Buổi sáng 30/4, 27/7 hàng năm, đại tá Huỳnh Trí (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngụ huyện Châu Thành) đều tổ chức buổi cơm liệt sĩ tại nhà; mời đồng đội, cán bộ quân đội qua các thời kỳ… đến ôn cố tri tân. Ông nhớ lại chuyện kháng chiến, kể cho mọi người nghe từng đồng đội ngã xuống thế nào, ngày tháng chiến đấu gian khổ ra sao. Năm mới, câu chuyện cũ, nhưng lòng người chưa bao giờ cũ. Bởi lẽ, rất nhiều đồng đội của ông vẫn còn nằm đâu đó trên chiến trường trong và ngoài nước, chưa thể quy tập về quê hương đất mẹ. Đã 50 năm rồi, mà tưởng chừng như mất mát mới hôm qua!

 Câu chuyện đau đáu nhất trong ông là những đồng đội hy sinh sát ngày giải phóng. Ngày 21/4/1975, Trung đội 2 (Đại đội 1, Tiểu đoàn 512) kết hợp Đại đội 381 đánh phân Chi khu Tân Thạnh. Từ ngày 21 đến 24/4, địch sử dụng bộ binh pháo - cối đánh khóa đầu dưới của Đại đội 1. Ông Trí cùng đồng đội giữ tuyến công sự cặp lộ 30, nhói lòng nghe tiếng B40, tiếng súng ta - địch bắn ngoài kia. Bụi khói mịt mù nhà cửa, cây cối đổ ngã la liệt. Kết thúc trận đánh cũng là lúc sụp tối. Kiểm tra lại, người còn sống thảng thốt: “Trời ơi chết hết rồi sao, ở đơn vị này từ trước đến giờ chiến đấu chưa có lần nào trong 1 ngày mà hy sinh đến 8 anh em!”. Tính đến ngày 28/4, Đại đội 1 hy sinh 11 đồng chí: Chiến sĩ Long, Tum, Thắng, Tâm; Trung đội phó Bưng, Tiểu đội trưởng Hai Hộ, Tùng; Tiểu đội phó Tân Kiều, Đực, Ê, Chiến.

“Dẫu biết rằng, chiến tranh xảy ra hy sinh là điều không thể tránh khỏi, nhưng sao lòng tôi lại se sét đến lạ kỳ. Có lẽ thoát ly gia đình từ hồi còn nhỏ, lớn lên bên anh em đồng đội, cái tình đồng chí đã hóa thành tình gia đình tự bao giờ. Bây giờ mỗi ai mất đi, lòng tôi đau chẳng khác gì mất đi anh em, cha mẹ. Các anh em thường nói rằng, chiến đấu phải có hy sinh, nhưng hy sinh nhiều quá làm sao không xót xa! Làm chỉ huy phải biết quý xương máu của đồng đội mà dâng cao ý chí, quyết đánh thắng giặc mà cũng quyết bảo vệ từng chút một xương máu anh em! Có gì bằng mạng sống của con người…” - ông Huỳnh Trí đau đớn thốt lên.

Nỗi niềm người còn sống sau trận chiến cũng là ký ức khó quên trong lòng thượng tướng Bùi Văn Huấn (tên thường gọi Út Lê, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam). Ông đã đánh nhiều trận ở nhiều chiến trường trong nước và cả nước bạn; cảm thấy may mắn, tự hào được sự hướng dẫn, giáo dục, động viên của gia đình, tổ chức. Tham gia suốt cuộc chiến đấu, ông luôn phấn đấu vượt qua khó khăn, gian khổ ác liệt và nguy hiểm trên nhiều lĩnh vực, nhiều chiến trường.  Có lúc, ông không nghĩ mình còn sống…

“Tôi may mắn hơn nhiều bạn bè vì họ đã hy sinh hoặc tàn phế, mà ngược lại tôi nhận giấy khen, bằng khen, được thăng quân hàm thượng úy, làm chính trị viên tiểu đoàn hơn 3 năm. Tôi được đề nghị viết thành tích tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi tự thấy tự hào bởi thành tích này, nhưng còn một số anh em có quá trình chiến đấu thành tích tốt hơn tôi, nhưng không được gì. Vì vậy, tôi từ chối, cám ơn cấp trên, tổ chức đã quan tâm đến tôi”.

Ông chia sẻ rất nhiều về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, kỷ niệm mừng ngày lễ 30/4/1975. Ngày 15/5/1975, tỉnh Long Châu Tiền tổ chức lễ mừng chiến thắng ở sân vận động Tân Châu, khoảng 15.000 người đến dự. Thượng tướng Bùi Văn Huấn (lúc đó mới 30 tuổi) được mời vào Đoàn Chủ tịch buổi lễ. “Ngồi trên khán đài, trong tôi buồn vui lẫn lộn. Tôi buồn vì các gia đình sum họp, nhưng không trọn vẹn, đồng đội tôi hy sinh nhiều quá. Còn vui vì cuộc cách mạng của quân và dân ta giành thắng lợi, miền Nam được giải phóng. Cảnh nhà tan, cửa nát, chết chóc do chiến tranh không còn nữa” - ông kể.

Trong câu chuyện 52 năm binh nghiệp của thiếu tướng Lê Hoàng Phúc (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), trận chiến khốc liệt ở Thanh Bình cuối tháng 4/1975 như vừa diễn ra: Cổ họng đắng nghét vì thuốc đạn hộc vào; mình mẩy, đầu tóc ai cũng lấm lem bùn đất và khói bụi của đạn pháo; nhịn đói cả ngày (vì bộ đội địa phương tỉnh chưa được cấp lương khô). Chiến dịch diễn ra hơn 20 ngày đêm, chịu đựng bom pháo, thường xuyên đói khát đã bào mòn sức lực của người lính, không có thời gian hồi phục sức khỏe. Thế nhưng, ý chí quả cảm của mỗi người cộng với quyết tâm của quân dân đã mang đến thành quả cách mạng lớn lao, giải phóng lần lượt từng tấc đất miền Nam.

“Tôi đã đi đến, tìm gặp những người mẹ, người chị, những đồng đội từng vào sinh ra tử, giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn với khả năng của mình; tìm mộ liệt sĩ… để góp phần “đền ơn đáp nghĩa” những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước thân yêu, và gần hơn là “đền ơn đáp nghĩa” những người lính trinh sát - bạn tôi, đồng đội tôi. Có một điều kỳ diệu: Cứ mỗi lần tôi gặp chuyện rủi ro, một éo le trắc trở giữa cuộc đời, thì cái quá khứ không thể nào quên ấy như những bài ca lại hiện lên, giúp tôi đứng vững, tỉnh táo vượt qua tất cả. Quá khứ đau thương, bi tráng hôm qua đã giúp tôi lớn lên rất nhiều. Nếu tôi ngoảnh mặt, quay lưng với quá khứ, thì trước hết, tôi không còn là tôi nữa. Và sau đó, tôi là kẻ vong ơn bội nghĩa” - thiếu tướng Lê Hoàng Phúc bày tỏ.

GIA KHÁNH