Đại thắng mùa xuân 1975 - Sức mạnh khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước

28/04/2020 - 13:59

Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc thắng lợi chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng thời kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc kể từ cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Lê, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chú thích ảnh

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954 - 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng-TTXVN

Sức chiến đấu kiên cường, bền bỉ toàn dân tộc

Năm 1954, thực dân Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, buộc phải ký kết Hiệp định Geneva (7-1954) rút khỏi Đông Dương. Tuy nhiên, ngay sau đó, thực hiện chính sách “lấp chỗ trống”, đế quốc Mỹ nhảy vào tiến hành chiến tranh xâm lược, âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng. Để thực hiện mưu đồ trên, Mỹ dựng lên chính quyền, quân đội tay sai, ra sức phá hoại Hiệp định Geneva, đàn áp phong trào cách mạng miền Nam.

Chỉ trong vòng 4 năm (1954 - 1958), cả miền Nam tổn thất 9-10 số cán bộ, đảng viên; gần 90 vạn đồng bào yêu nước bị bắt, tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn, giết hại... Trước âm mưu, hành động xâm lược của địch, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối lập nhau: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn nằm dưới sự đô hộ của chủ nghĩa đế quốc và tay sai.

Như vậy, khác với 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, kẻ thù của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến lần này là đế quốc Mỹ, đứng đầu thế giới tư bản chủ nghĩa với tiềm lực kinh tế, quân sự rất hùng mạnh. Để đương đầu, đánh thắng kẻ thù đó, đòi hỏi nhân dân Việt Nam phải có sức mạnh rất lớn - sức mạnh chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, hay nói một cách khác, đó là sức mạnh khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước, tập trung cao độ trước hết ở đường lối kháng chiến.

Trên cơ sở phân tích đặc điểm tình hình trong nước, bối cảnh quốc tế cũng như khu vực có liên quan, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng (khóa II) lần thứ 15 (đầu năm 1959) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960) đã vạch ra đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo, đó là: Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, tiến hành đồng thời cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập, dân chủ, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Từ năm 1965, để cứu nguy cho chế độ Sài Gòn, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh, nhiều loại vũ khí, trang bị cùng phương tiện chiến tranh hiện đại vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam; đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam.

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng (khóa III) lần thứ 12 đã thêm một lần nữa khẳng định nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng thiêng của cả dân tộc, của nhân dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc; từ đó đề ra quyết tâm: động viên lực lượng cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.

Đường lối kháng chiến do Đảng đề ra đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, thực sự trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nhau đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp vì lý tưởng cách mạng cao đẹp mà lịch sử đặt ra. Sức mạnh đấu tranh nhờ đó được biểu hiện phong phú, nhân lên gấp bội, biến thành hành động thực tiễn qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi khắp cả nước, từ hậu phương đến tiền tuyến.

Chú thích ảnh

Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 2 vượt sông tiến về Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu-TTXVN phát

Điển hình như các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”... ở miền Bắc; các phong trào “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không dời”, “Giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”... ở miền Nam; hay quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”... trên tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam. Tất cả đều hướng đến mục tiêu độc lập, hòa bình và thống nhất non sông.

Một nhà sử học Mỹ đã nhận xét rằng: Lịch sử phải đánh giá họ (người Việt Nam - miền Nam cũng như miền Bắc) cao nhất về sức chiến đấu ngoan cường và dũng cảm của con người. Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara thì thừa nhận: nước Mỹ thua trận vì đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam thúc đẩy họ đấu tranh cho giá trị và mục tiêu cao cả.

Bằng sức mạnh đó, trải qua gần 20 năm liên tục chiến đấu anh dũng kiên cường, bền bỉ, quân dân Việt Nam lần lượt từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của kẻ thù: chiến tranh đơn phương, “tố cộng, diệt cộng” (1954 - 1960), “chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), “chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1973), buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước. Đây là thắng lợi cơ bản, mở ra bước ngoặt mới cho sự nghiệp kháng chiến.

Quyết tâm giành toàn thắng

Với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, tuy rút quân viễn chinh về nước, song đế quốc Mỹ lại lập ra bộ chỉ huy quân sự trá hình, tiếp tục viện trợ cho chính quyền, quân đội Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định hòa bình vừa mới ký kết, hòng kéo dài chiến tranh xâm lược.

Về phía cách mạng, chúng ta thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, nhưng trước hành động phá hoại trắng trợn, có hệ thống của địch, buộc nhân dân ta phải tiếp tục đấu tranh để giữ vững thành quả cách mạng, từ đó tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Hội nghị Trung ương Đảng (khóa III) lần thứ 21 (7-1973) đã khẳng định: bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam vẫn là con đường bạo lực, do đó phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công để giành toàn thắng.

Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Đáp ứng yêu cầu cấp cách mạng đặt ra, Đảng họp Hội nghị Bộ Chính trị (30-9 - 7-10-1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18-12-1974 - 8-1-1975), chính thức hạ quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng, toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta; tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam.

Thực hiện quyết tâm mà Bộ Chính trị đề ra, cả dân tộc “ra quân” trong mùa Xuân 1975 lịch sử. Chưa bao giờ, khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của quân dân ta diễn ra sục sôi cao trào như thời điểm này. Chỉ ba tháng đầu năm 1975, hậu phương miền Bắc đã dốc sức đưa vào chiến trường miền Nam gần 12 vạn cán bộ, chiến sĩ; chi viện 230 nghìn tấn vật chất các loại, bảo đảm 81% vũ khí, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải...

Sự chi viện từ miền Bắc cho miền Nam thời kỳ này không chỉ tạo nên sức mạnh áp đảo về thế và lực so với quân địch, phục vụ tốt yêu cầu Tổng tiến công và nổi dậy, mà còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng vùng giải phóng trên tất cả các mặt: kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y tế... chuẩn bị cho việc tiếp quản vùng giải phóng khi chiến tranh kết thúc.

Được sự chi viện to lớn của miền Bắc, trên khắp chiến trường miền Nam, quân dân ta ra sức chuẩn bị các mặt cho trận quyết chiến quyết định cuối cùng. Chưa bao giờ, các phong trào đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, ngoại giao diễn ra sôi nổi như thời gian này, đẩy chính quyền, quân đội Sài Gòn lún sâu hơn vào tình thế khó khăn, hoàn toàn bị cô lập. Sức mạnh chiến đấu từ hơn 20 năm được dồn lại cho thời khắc lịch sử này.

Sau một thời gian chuẩn bị mọi mặt tạo thế, tạo lực, ngày 4-3-1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta bắt đầu, diễn ra với ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 đến 3-4-1975), tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ 21-3 đến 29-3-1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26-4 đến 30-4-1975).

Chú thích ảnh

Bốn chiến sĩ Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) - những người đầu tiên vào Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn trưa 30-4-1975. Ảnh: Đinh Quang Thành-TTXVN

Trưa 30-4-1975, quân ta tiến vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ nội các chính quyền trung ương địch. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cả chặng đường 30 năm đấu tranh trường kỳ gian khổ (1945 - 1975). Đây chính là một trong những chiến công tiêu biểu nhất, huy hoàng nhất trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp cả nước chào mừng kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ, toàn diện hơn về ý nghĩa tầm vóc sự kiện lịch sử trọng đại này. Từ đó, mỗi chúng ta càng nêu cao niềm tự hào dân tộc, biết trân trọng gìn giữ hòa bình, gìn giữ chủ quyền, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; ra sức thi đua lao động, học tập, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo TRẦN HIỀN HẠNH (Báo Tin Tức)