Đảm bảo an toàn về cây xanh trong trường học

01/06/2020 - 06:34

 - Sau sự việc cây phượng vĩ ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bật gốc khiến 18 học sinh thương vong, các điểm trường trên địa bàn tỉnh cần siết chặt việc kiểm tra, chặt mé, gia cố cây xanh trong khuôn viên trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa mưa bão.

Dù sự việc cây phượng vĩ ở Trường THCS Bạch Đằng bật gốc đè trúng học sinh đã trôi qua được vài ngày, nhưng hình ảnh thất thần của các em và giọt nước mắt của những người thân là nỗi đau khó quên trong lòng của nhiều người. Hiển nhiên, đó là một tai nạn không ai mong muốn. Và hơn hết, sự việc đau lòng đó chính là hồi chuông báo động, nhắc nhở chúng ta về việc đảm bảo an toàn cho học sinh ngay trong khuôn viên trường học, mà nguyên nhân đôi lúc là những cây xanh hàng ngày vẫn che mát cho các em.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tịnh Biên (An Giang) Trương Chính Văn thông tin: “Ngay sau khi chứng kiến sự việc đau lòng trên qua báo chí, chúng tôi đã yêu cầu các trường học trên địa bàn huyện khẩn trương thực hiện công tác gia cố, chặt mé cây xanh trong đơn vị, dù trước đó công tác này đã được triển khai vào đầu hè. Với những cây còn nhỏ được gia cố gốc chắc chắn, phát dọn bớt tán, cành. Riêng những cây cổ thụ nhiều năm tuổi mục rỗng thì có phương án chặt hạ để đảm bảo an toàn cho các em học sinh. Tinh thần chung là phải chủ động xử lý trước, bởi sự an toàn của các em là trên hết!”.

Do điều kiện khí hậu đặc thù nóng bức tại Tịnh Biên, việc trồng cây xanh trong khuôn viên trường học để lấy bóng mát và tạo môi trường xanh cho học sinh là rất cần thiết. Do đó, Phòng GD&ĐT huyện Tịnh Biên yêu cầu các trường cần linh động trong phương án xử lý. Đặc biệt, tuyệt đối không trồng mới những cây thuộc danh mục cấm hoặc hạn chế trồng trong khuôn viên trường học theo Công văn số 456/SGDĐT-CT.HSSV của Sở GD&ĐT ban hành và Quyết định số 475/QĐ-UBND về danh mục cây xanh cấm hoặc hạn chế trồng trong phạm vi đô thị của UBND tỉnh.

Tăng cường quản lý cây xanh trong khuôn viên trường học để đảm bảo an toàn cho môi trường sư phạm

Cô Huỳnh Hồng Thu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú “A” Nhà Bàng) cho hay: “Việc chặt mé cây xanh được nhà trường chủ động thực hiện từ tháng 3-2020. Mục đích của việc này là đảm bảo an toàn cho các em trong mùa mưa bão sắp tới. Với những cây lớn, nhà trường đã cho tráng xi-măng quanh gốc để cây không bị bật ngã. Chúng tôi cũng yêu cầu các em học sinh không được tập trung chơi dưới gốc cây trong những ngày mưa để tránh tình huống đáng tiếc có thể xảy ra”.

Cùng quan điểm trên, thầy Lê Ngọc Xuân (Hiệu trưởng Trường THPT Tịnh Biên) cũng yêu cầu học sinh chủ động phòng, tránh tai nạn liên quan đến cây xanh trong mùa mưa bão, nhất là trên đường từ nhà đến trường và ngược lại. Ngoài ra, nhà trường sẽ chặt hạ, phát tán những cây lớn trong khuôn viên trường để tạo cảnh quan thoáng đãng và hạn chế đến mức thấp nhất tình huống nguy hiểm cho học sinh.

Thực tế, sau sự việc ở Trường THCS Bạch Đằng đã dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt và cần ưu tiên đó là sự an toàn cho học sinh. Về lâu dài, ngành chức năng và các địa phương cần có phương án cụ thể trong việc trồng cây xanh trong trường học một cách hợp lý, nhằm tạo không gian xanh nhưng phải đảm bảo an toàn cho các em học sinh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Võ Bình Thư cho biết, thời gian qua, nhiều đơn vị đã triển khai thực hiện khá tốt việc đảm bảo an toàn và phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học. Trước tình hình mùa mưa bão đã đến, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các trường, Sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường tiếp tục triển khai thực hiện tốt Công văn số 456/CT.HSSV ngày 5-5-2015 của Sở GD&ĐT về việc danh mục cây xanh cấm và hạn chế trồng trong trường học; Công văn số 1775/SGDĐT-CTTT ngày 8-10-2018 về việc chấn chỉnh việc xây dựng, tạo cảnh quan trường học “Xanh - sạnh - đẹp - an toàn”.

Tiến hành kiểm tra, rà soát các quy định về đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống tai nạn thương tích; xây dựng môi trường lành mạnh, thân thiện. Chủ động phối hợp chính quyền địa phương, người dân xung quanh tổ chức kiểm tra hệ thống các cây hiện có trong cơ sở giáo dục, nhất là các cây có nguy cơ đổ ngã, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản của đơn vị; thực hiện chiết cành, hạ đốn hoặc thay thế nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học trong thời gian tham gia hoạt động tại trường.

Trong các buổi sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở học sinh đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, cả trong khuôn viên trường học và quá trình di chuyển trên đường. Lưu ý học sinh không đùa giỡn quá mức và tuyệt đối chấp hành các quy định về an toàn giao thông.

THANH TIẾN - HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích