Đảm bảo hài hòa lợi ích trên dòng Mekong

23/12/2019 - 09:23

 - Những hoạt động ngăn dòng, chuyển dòng chảy của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong đang tạo ra những thách thức lớn cho vùng hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL của Việt Nam. Để khai thác hiệu quả và bền vững dòng sông chung này, cần tăng cường đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế.

Mùa lũ ở An Giang thường thiếu hụt nước do tác động ngăn dòng, chuyển dòng trên sông Mekong

Ám ảnh thủy điện

Ở vùng thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện, trong đó có 2 hồ đập rất lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Độ. Hiện nay, cả 11 công trình thủy điện này đã đi vào vận hành và đã gây tác động đáng kể tới vùng hạ lưu vực sông Mekong. Các công trình thủy điện của Trung Quốc mặc dù nằm cách xa ĐBSCL của Việt Nam, nhưng được quan ngại là nguyên nhân gây tác động rất lớn tới phù sa, bùn cát về phía hạ du, cụ thể là lưu giữ tới hơn 50% tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm của lưu vực sông Mekong. Quan trọng hơn, tác động này là không thể khắc phục do các công trình của Trung Quốc hiện nay đã được hoàn thành.

Tại vùng hạ lưu sông Mekong, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình, Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới 2 nước, Campuchia có 2 công trình. Đến nay, Lào sắp hoàn thành xây dựng 2 công trình là Xayabouri và Don Sahong. Trong khi đó, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã tiến hành tham vấn vùng cho 2 công trình là Pak Beng và Pak Lay.

Đối với 2 dự án thủy điện trên dòng chính Mekong là Xayabouri và Don Sahong, dù không đạt được sự thống nhất trong Ủy hội sông Mekong Quốc tế khi tham vấn nhưng Chính phủ Lào vẫn tiến hành khởi công xây dựng (công trình thủy điện Xayabouri khởi công tháng 11-2012, còn Don Sahong là tháng 1-2016). Đối với 2 công trình Pak Beng và Pak Lay, khi tiến hành tham vấn, các nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều bày tỏ quan ngại nếu được xây dựng. Hai công trình này cùng với tác động lũy tích của 2 công trình Xayabouri và Don Sahong sẽ ảnh hưởng lớn đến các quốc gia trong lưu vực Mekong, kể cả vùng dự án của Lào và Thái Lan. Đối với ĐBSCL, việc ngăn dòng của Lào, chuyển dòng của Thái Lan trên dòng chính Mekong khiến tình trạng thiếu nước mùa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, “đói” phù sa, bùn cát… thêm trầm trọng. Điển hình nhất là mùa lũ 2019, mực nước tại các trạm đầu nguồn và vùng hạ lưu sông Mekong xuống rất thấp. Bước sang mùa khô 2019 – 2020, nước mặn xâm nhập vào các tỉnh ĐBSCL sớm hơn cả tháng. Trong khi đó, tại An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, TP. Cần Thơ… tình trạng sạt lở đất bờ sông diễn ra nghiêm trọng.

Nỗ lực của Việt Nam

Nếu như 2 đợt tham vấn trước đối với Xayabouri và Don Sahong, các quốc gia thành viên trong Ủy hội sông Mekong quốc tế chỉ công bố ý kiến riêng của quốc gia mình mà không nhất trí ra Tuyên bố chính thức chung, gây thất vọng đối với cộng đồng trong khu vực thì đối với dự án Pak Beng, lần đầu tiên Ủy ban Liên hợp đã ra một Tuyên bố chung của Ủy hội sông Mekong quốc tế, kêu gọi Chính phủ Lào làm hết sức mình nhằm giảm thiểu các tác động xuyên biên giới tiềm tàng của dự án thủy điện Pak Beng, thống nhất các khuyến nghị mà Lào và chủ đầu tư cần tiếp tục thực hiện như: thu thập số liệu bổ sung, tiếp tục đánh giá một cách kỹ lưỡng hơn cả tác động tại chỗ và xuyên biên giới, điều chỉnh thiết kế công trình, tăng cường các biện pháp giảm thiểu tác động, tăng cường trách nhiệm chia sẻ và cập nhật thông tin, đánh giá tác động lũy tích của công trình Pak Beng với các công trình khác trên dòng Mekong (kể cả các đập thủy điện trên sông Lan Thương, Trung Quốc) và duy trì một mạng giám sát chung tác động xuyên biên giới.

Việc ra Tuyên bố chung về dự án thủy điện Pak Beng được các chuyên gia xem là một thành công lớn, trong đó có vai trò tích cực của Việt Nam. Lần đầu tiên, các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế đã đạt được sự đồng thuận trong tham vấn cho một công trình dòng chính. Tuyên bố chung này không chỉ đạt được sự đồng thuận đối với riêng dự án Pak Beng mà còn mở ra các cơ chế vùng về phối hợp trao đổi thông tin, quan trắc giám sát và xây dựng quy chế vận hành liên hồ cho tất cả các công trình thủy điện dòng chính Mekong.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Phan, công tác nhiều năm ở Ủy hội sông Mekong quốc tế, cho rằng, việc thống nhất cho ra đời Hiệp định Mekong là một thành công lớn của Việt Nam trong khi ở các khu vực khác trên thế giới, để các quốc gia cùng ký vào một hiệp định là quá trình không dễ. Tiếp sau đó, việc tổ chức phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp đối với dự án Pak Beng và ra Tuyên bố chung là thành công tiếp theo cho nỗ lực của Việt Nam. Qua đó cho thấy, vai trò của Ủy ban sông Mekong Việt Nam là rất quan trọng. “Để tiếp tục phát huy vai trò này, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mekong quốc tế trong những vấn đề khu vực” – tiến sĩ Phan lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam, cho biết, sau khi kiện toàn tổ chức, vai trò của Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ được nâng cao hơn nữa, đặc biệt là trong công tác phối hợp với Ủy hội sông Mekong quốc tế, tham mưu Chính phủ đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao đối với hoạt động chuyển nước trên dòng Mekong ở Thái Lan, các hoạt động xây đập thủy điện ở Lào và Campuchia nhằm tiến tới thống nhất khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mekong bền vững, hài hòa lợi ích của các quốc gia trong lưu vực, đặc biệt là giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân vùng ĐBSCL.

Tăng cường trách nhiệm

Ngày 31-7-2019, Ủy ban sông Mekong quốc gia Lào đã gửi đến Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai Dự án thủy điện Luông Prabang của Lào trên dòng chính sông Mekong. Căn cứ Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (năm 1995) và thông tin từ tài liệu của Lào, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thống nhất triển khai thực hiện quá trình tham vấn cho Dự án thủy điện Luông Prabang từ ngày 8-10-2019 theo quy định tại Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Sau giai đoạn tham vấn đầu ở cấp vùng, ít nhất trong thời gian 6 tháng, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ nhóm họp để đánh giá kết quả các vòng tham vấn quốc gia và vùng, xem xét ý kiến chính thức của các quốc gia thành viên nhằm quyết định sẽ tiếp tục tham vấn hay tiến tới thống nhất một Tuyên bố chung của Ủy hội về các kế hoạch thực hiện tiếp theo cho thời gian tới.

Theo thông báo của Lào, công trình Luông Prabang nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, thuộc tỉnh Luông Prabang. Vị trí dự kiến xây dựng công trình nằm tại Km2.036, cách biên giới Việt Nam 1.785km. Các thông số chính của công trình bao gồm: diện tích lưu vực 231.329km2, tổng dung tích hồ chứa 1.256 triệu m3, công suất thiết kế 1.460 MW và sản lượng điện hàng năm là 6.622GWh (dự kiến sẽ bán sang Thái Lan hoặc Việt Nam). Chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH năng lượng Luông Prabang của Lào, bao gồm 2 cổ đông là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (góp 38% vốn chủ sở hữu) và Công ty TNHH PT của Lào (nắm giữ 37%), trong khi Chính phủ Lào sở hữu 25% vốn. Dự kiến sau quá trình tham vấn trước (tháng 4-2020), công trình sẽ được khởi công xây dựng từ ngày 1-7-2020 và hoàn thành phát điện vào quý III năm 2027.

Với một quốc gia còn nhiều khó khăn như Lào, việc khai thác tiềm năng thủy điện trên sông Mekong được xem là một trong những giải pháp góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm bớt khó khăn của quốc gia. Theo các nhà nghiên cứu kinh tế, dù các quốc gia khác có ý kiến như thế nào thì Lào vẫn đặt phát triển thủy điện lên ưu tiên hàng đầu với mục tiêu biến Lào thành tấm pin của khu vực. Do vậy, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư tại Lào, đặc biệt là về thuỷ điện. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam tỏ ra quan ngại với các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong nhưng lại có doanh nghiệp Việt Nam góp vốn vào Công ty TNHH năng lượng Luông Prabang của Lào là bất hợp lý. Tuy nhiên, việc tham gia đầu tư của Việt Nam trong Dự án thủy điện Luông Prabang đã được cân nhắc và suy xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh, cả về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội. Điều này thể hiện sự xem xét cẩn trọng và toàn diện của Việt Nam trước khi đưa ra quyết định đối với phát triển thủy điện dòng chính sông Mekong. Với quyết định này, Việt Nam có thể chủ động tham gia từ giai đoạn thiết kế đến xây dựng và vận hành công trình, chủ động nghiên cứu giám sát tác động, đồng thời triển khai và thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu tác động về phía hạ du, đặc biệt là đối với ĐBSCL của Việt Nam. Đây cũng là trách nhiệm của Việt Nam khi trực tiếp tham gia vào dự án nhằm đảm bảo công trình thủy điện Luông Prabang tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy hội sông Mekong quốc tế từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình sau này. Qua đó, giảm nhẹ được tác động tiêu cực đối với vùng hạ lưu sông Mekong nói chung, ĐBSCL nói riêng.

 Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, Hiệp định Mekong 1995 không có quy định về quyền được phủ quyết của một quốc gia đối với đề xuất sử dụng nước của quốc gia khác, nhưng có quy định cho phép các quốc gia bị tác động có quyền yêu cầu các quốc gia có công trình phải đảm bảo phát triển bền vững dòng sông Mekong và có trách nhiệm giảm thiểu tác động do các công trình gây ra. Do vậy, mặc dù Việt Nam có sự tham gia đầu tư vào dự án thuỷ điện Luông Prabang nhưng mọi quy trình, thủ tục thực hiện tham vấn đối với dự án này sẽ được hoàn toàn tuân thủ theo các quy định liên quan và phù hợp của Uỷ hội sông Mekong quốc tế. Trong quá trình tham vấn, rà soát, đánh giá tài liệu dự án do Lào nộp, mọi tác động xuyên biên giới của công trình đối với hạ du, đặc biệt đối với ĐBSCL sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Việt Nam sẽ kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế dự án, hoàn thiện các biện pháp giảm thiểu tác động, xây dựng các chương trình theo dõi, giám sát tác động đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Ủy hội sông Mekong quốc tế trước khi xây dựng công trình.

Với vai trò của một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, nơi cũng chịu ảnh hưởng bởi những tác động trên dòng chính sông Mekong, An Giang luôn nỗ lực hành động để góp phần giải quyết tốt vấn đề xuyên quốc gia, chia sẻ nguồn tài nguyên nước, khai thác bền vững nguồn lợi của dòng Mekong. Tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mekong - Lan Thương diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 17-12-2019 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã cùng tham gia với đoàn Việt Nam (do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm Trưởng đoàn), cùng thảo luận với đại diện các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan để tìm giải pháp phát triển bền vững cho vùng Mekong.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN