Trưa nay, ông Hài (56 tuổi) theo chiếc ghe chở 3.000 quày dừa nước túc tắc từ tỉnh Bến Tre lên tới bến phà Ô Môi (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Mỗi chuyến giao hàng của ông Hải ròng rã 3 ngày, ghé đủ chỗ, từ tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… mới trở về quê. Vận chuyển bằng đường thủy tuy lâu, nhưng có thể chở số lượng nhiều, tính ra ngợi hơn vận chuyển bằng đường bộ.
Quày dừa nước hình thù xù xì, vỏ rất cứng, có thể bảo quản trong vòng 10 ngày, chịu được lực va đập mạnh, dễ bảo quản, vận chuyển hơn cả dừa tươi.
Công đoạn đầu tiên là tách từng trái dừa nước ra khỏi quày, loại bỏ trái lép, trái hư hỏng. Mỗi quày có từ 50 – 60 trái dừa nước nhỏ xíu.
Mỗi quày có giá vài chục ngàn đồng, tùy kích cỡ. Dừa nước có nhược điểm, một khi đã tách ra lấy cùi bên trong, thì sẽ rất nhanh hỏng, do không có lớp màng bảo vệ như thốt lốt. Để trong tủ lạnh hoặc ướp đá, có thể bảo quản được 2-3 ngày. Còn ở nhiệt độ bình thường, chừng vài giờ đã bắt đầu hôi chua.
Ông ba (60 tuổi) gắn bó với nghề bán dừa nước gần 10 năm nay, ở ven Quốc lộ 91 (đoạn thuộc xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Có ngày, khách vãng lai, khách du lịch mua được vài chục quày dừa. Thấy vậy, các con ông mở thêm 2-3 “chi nhánh” dọc theo con đường.
Trái ngược với tên gọi, dừa nước chẳng có chút nước nào cả. Chúng cũng không ngọt, béo như cùi dừa tươi. Bù lại, chúng có vị thơm khá hấp dẫn, dễ chịu.
Hồi chúng tôi còn nhỏ, có 500 đồng sẽ mua được 5 trái, chẻ đôi ra, sẽ thành 10 miếng dừa tẻo teo, không đủ nhét kẽ răng. Còn giờ, mỗi trái lại có giá bán lẻ 1.000 đồng! Phổ biến nhất, chúng được bán 80.000 – 90.000 đồng/kg (tách vỏ sẵn).
Món ăn dân dã này thường được ăn theo kiểu dân dã: Chẻ đôi rồi múc ăn liền. Kỳ công hơn, có thể thêm chút đường, ướp với nước đá, thành món tương tự thốt lốt. Cùi dừa già có thể nấu chè, làm mứt… Chỉ vậy thôi, mà trở thành một phần khó quên trong trí nhớ chúng tôi!
GIA KHÁNH