Đầu năm đến nay, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) tiếp tục chú trọng đổi mới hơn, hướng về cơ sở và đạt được hiệu quả thực chất. Qua phát động thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới (NTM)” năm 2021, toàn huyện có 32 tập thể (15 mô hình “Dân vận khéo”, 17 mô hình “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”) và 30 cá nhân đăng ký thực hiện, tổng số tiền vận động hơn 4,7 tỷ đồng trên các lĩnh vực. Các ngành trong hệ thống chính trị tập trung vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, sản xuất - kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Đồng thời, tham gia đóng góp xây dựng các công trình công cộng, đóng góp ngày công lao động, hiến đất, chuyển đổi cây trồng…
Cùng với đó, tiếp tục triển khai, duy trì những mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nhiều hoạt động thu hút đông đảo thành phần tham gia, có tính xã hội hóa cao, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, như: bê-tông đường cộ, nạo vét kênh mương, dặm vá đường, nâng cấp sân chơi, lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng đường nông thôn, trồng cây dược liệu cung cấp cho nhà thuốc nam, vận động bà con giáo dân thực hiện “Xứ đạo 2 tốt”... với tổng kinh phí 2,94 tỷ đồng. Ngoài ra, các mô hình ở lĩnh vực quốc phòng - an ninh được thực hiện phong phú, góp phần giải quyết tốt những bức xúc trong nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, tăng cường mối quan hệ quân - dân.
Linh động nhiều cách làm để phù hợp với tình hình, đảm bảo an sinh xã hội
Trong giai đoạn hiện nay, cả hệ thống chính trị tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Công tác dân vận ở huyện Phú Tân theo đó cũng kịp thời thay đổi cách làm, huy động nguồn lực nhằm đảm bảo chăm lo tốt nhất cho nhân dân, an sinh xã hội để ổn định tình hình địa phương. Khối Dân vận từ huyện đến xã, thị trấn và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đều phát huy vai trò, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nội bộ và nhân dân về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên bám địa bàn nắm thông tin dư luận của nhân dân phản ánh cho Đảng, chính quyền kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất.
Tiêu biểu, như: Huyện đoàn thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực; triển khai ở cơ sở mô hình “A lô thanh niên” đi chợ giúp dân mùa dịch, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, vận động rau, củ giúp đỡ các trường hợp khó khăn. Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động huyện tặng quà cho các chốt trực bến đò, trợ giúp gia đình người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn, tặng nhu yếu phẩm các khu cách ly…
Từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn vận động hơn 12,6 tỷ đồng trợ giúp cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn. Bên cạnh đó, còn tranh thủ các nguồn đóng góp để cất nhà Đại đoàn kết, trợ cấp thường xuyên và đột xuất cho các đối tượng yếu thế, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện tiết kiệm góp phần chăm lo an sinh xã hội theo Kế hoạch 39-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy, với số tiền trên 926 triệu đồng, đã trích chi hỗ trợ gần 600 triệu đồng.
Riêng kêu gọi đóng góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, UBMTTQVN huyện đã tiếp nhận của 215 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng, chi hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp phòng, chống dịch và người dân ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, khối dân vận xã, thị trấn đã vận động, thành lập 21 “Gian hàng 0 đồng”, 22 “Chuyến xe 0 đồng” và 4 cây “ATM gạo” giúp cho các hộ khó khăn trong đại dịch COVID-19.
Đối chiếu với những mục tiêu trọng tâm đặt ra từ đầu năm, nhiều kết quả đến nay đã được các cấp, ngành, chính quyền thực hiện đạt và vượt so kế hoạch, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
MỸ HẠNH