"Dân vận khéo" vượt qua đại dịch

15/10/2021 - 05:31

 - Thời gian qua, công tác dân vận đã phát huy vai trò quan trọng khi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện tốt phương châm “Mỗi xã, phường là pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ”. Trong giai đoạn nới lỏng giãn cách, việc tăng cường công tác dân vận, nâng cao ý thức phòng dịch của người dân cũng rất quan trọng.

Quan tâm thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch là một trong những việc làm ý nghĩa nhằm hun đúc tinh thần, tạo động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Từng là “điểm nóng” về dịch bệnh COVID-19, thị trấn Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) hiện đã khoanh vùng, kiểm soát tình hình. Nếu trước đây, toàn huyện An Phú có hàng chục khu phong tỏa thì đến ngày 14-10, chỉ còn 8 ổ dịch, 8 khu phong tỏa với 291 hộ, 1.045 nhân khẩu tại 5 xã, thị trấn. Huyện An Phú được đánh giá là “vùng xanh” với 10/14 xã, thị trấn “vùng xanh”.

Ghi nhận tại Trung tâm thương mại thị trấn An Phú, người bán, người mua đều chấp hành tốt biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Ban Quản lý chợ tiến hành phân luồng lối ra, lối vào, thu thập thông tin của tiểu thương và người dân để đảm bảo tốt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh. Các tiểu thương tại chợ và người dân đều rất phấn khởi vì được mở cửa mua bán trở lại.

Tặng quà hỗ trợ người dân cách ly tại nhà ở huyện An Phú

Để đạt được kết quả này, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, nỗ lực của huyện, vai trò của công tác dân vận, tuyên truyền để người dân đồng thuận, chấp hành tốt các chủ trương chống dịch là rất quan trọng. Phát huy tốt vai trò Tổ COVID-19 cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", thông tin, truyền thông (trên hệ thống loa truyền thanh, trên mạng xã hội Zalo, Facebook, tuyên truyền miệng, phát thanh lưu động), nhắc nhở người dân tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch.

Trong lúc nhiều người dân tự phát về quê thì ý thức chấp hành phòng dịch là rất quan trọng để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng An Giang tổ chức đàng hoàng, chăm lo tiếp đón, sàng lọc, đón rước người dân về tận địa phương, đảm bảo an toàn và tích cực vận động để hỗ trợ bà con. Trong khi các khu cách ly quá tải, địa phương bố trí cho bà con ở tạm trường học và chăm lo đầy đủ việc ăn uống, sinh hoạt...

Đối với người đủ điều kiện cách ly tại nhà được hướng dẫn kỹ lưỡng: tuyệt đối không ra khỏi nhà, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, không tiếp xúc với người lớn tuổi, người đang có bệnh lý nền, vì các trường hợp này nếu không may mắc COVID-19 sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nặng và có nhiều biến chứng nguy hiểm tính  mạng.

“Chúng tôi cam kết là khi cách ly tại nhà phải thường xuyên tự theo dõi sức khỏe, khi sốt, ho, đau họng thì báo ngay để được giúp đỡ. Không tự ý rời khỏi nhà trong thời gian cách ly; không tiếp xúc với ai để cách ly an toàn” - một người dân đang cách ly tại nhà ở thị trấn Long Bình nhấn mạnh.

Có thể nói, điểm sáng trong giai đoạn dịch COVID-19 là cùng với thực hiện linh hoạt các phương án phòng, chống dịch thì An Giang triển khai tốt công tác dân vận để chăm lo an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. UBMTTQVN tỉnh tiếp nhận đăng ký ủng hộ hàng chục tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân đóng góp vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19. Cấp huyện và xã tiếp nhận ủng hộ để hỗ trợ người dân và lực lượng phòng, chống dịch tại các khu cách ly; tặng quà chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới; hỗ trợ thu mua nông sản giúp nông dân…

Toàn tỉnh còn tổ chức thành công nhiều mô hình mang ý nghĩa nhân văn, như: “ATM gạo”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng” và phát quà tại các xã, phường, thị trấn. Qua đó, hỗ trợ hơn 1,5 triệu lượt người là hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, đối tượng bán vé số, mua bán nhỏ lẻ… bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ước tính tổng trị giá trên 130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn tổ chức trao quà, chia sẻ khó khăn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai; tặng 639 tấn hàng hóa (gạo, nông sản, nhu yếu phẩm), ước tính trên 6,8 tỷ đồng...

Trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn An Giang không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi đoàn viên, hội viên, nhân dân, nhất là trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang, công tác dân vận chính quyền được quan tâm thực hiện, thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; nhất là tập trung tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh kịp thời...

HỮU HUYNH