Công việc đặc thù của nhân viên văn phòng nên mỗi ngày chị thường ngồi làm việc trên máy tính 9-10 tiếng mỗi ngày. Thời gian gần đây chị bắt đầu thấy đau nhức ở vùng thắt lưng. Nghĩ là do ngồi nhiều nên việc này là bình thường và tự khỏi nên chị không đi khám. Mãi đến khi cảm giác đau không thể chịu được nữa, ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt và công việc hiện tại thì chị mới tìm đến bác sĩ.
Để khắc phục, chị lựa chọn đến bệnh viện châm cứu, phục hồi chức năng. Chị cũng lo lắng không biết khi bị đĩa đệm nên ăn gì để không ảnh hưởng tới sức khoẻ và quá trình điều trị.
Theo các chuyên gia y tế, thoát vị đĩa đệm là tình trạng một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống lưng và cổ bị hư hại. Lúc này đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống. Người bệnh thường xuyên đau nhức lưng, đau lan xuống chân và tay, có thể dẫn đến đại, tiểu tiện không tự chủ, teo cơ, yếu liệt chi dưới.
Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, chế độ dinh dưỡng khoa học giúp người bệnh thoát vị đĩa đệm cải thiện triệu chứng, nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh nên ăn thực phẩm giàu canxi như sữa và sản phẩm từ sữa, đậu, các loại hạt, rau xanh, thúc đẩy xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương. Nguồn thực phẩm này hỗ trợ người bệnh giảm đau nhức, tê bì tay, chân, cải thiện khả năng vận động.
Thực phẩm giàu vitamin D như cá béo, lòng đỏ trứng, sữa, gan động vật, đậu phụ, hỗ trợ cơ thể hấp thụ tối đa lượng canxi có trong thực phẩm, cải thiện sức khỏe xương khớp, làm chậm quá trình thoái hóa cột sống và ngăn ngừa loãng xương. Người bệnh nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 5-15 phút mỗi ngày (tùy theo cường độ nắng nóng và diện tích da tiếp xúc với ánh nắng) để cơ thể tăng cường hấp thu vitamin D.
Thực phẩm giàu vitamin B12 như gan động vật, thịt đỏ, trứng, thịt gia cầm, sữa, sản phẩm từ sữa, thúc đẩy quá trình hình thành tế bào xương và tế bào hồng cầu bên trong xương, tủy xương. Người bệnh thoát vị đĩa đệm thiếu vitamin B12 có thể làm chậm hoặc ức chế quá trình phục hồi, giảm hiệu quả của các biện pháp điều trị. Những người ăn thuần chay nên kiểm tra định kỳ và có biện pháp bổ sung vitamin B12 kịp thời, tránh để bệnh thoát vị đĩa đệm tăng nặng hoặc suy giảm sức cơ, rối loạn chức năng thần kinh, thay đổi phản xạ, thiếu máu.
Thực phẩm giàu omega-3 như cá béo, tảo biển, các loại hạt, trái bơ, dầu thực vật, giúp chống oxy hóa, chống viêm, giảm đau nhức, tăng cường khả năng tái tạo đĩa đệm.
Bác sĩ Trà Phương khuyến cáo người bệnh nên kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì. Không mang hoặc khuân vác vật nặng. Tránh xa khói thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia. Tập luyện điều độ bài tập phù hợp như bơi lội, yoga, đạp xe, đi bộ để tăng cường dẻo dai cho xương khớp.
Người bệnh nên đi khám định kỳ tại chuyên khoa cơ xương khớp hoặc thần kinh cột sống, điều trị phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Họ cũng cần bổ sung các tinh chất thiên nhiên như Eggshell Membrane (chiết xuất màng vỏ trứng), Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide thủy phân, Turmeric Root (chiết xuất từ nghệ), Chondroitin Sulfate... hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp, tái tạo sụn khớp và góp phần bảo vệ xương khớp chắc khỏe.