Đăng ký ngành “hot” theo trào lưu sẽ đẩy điểm chuẩn các ngành này cao hơn

27/09/2020 - 09:17

Việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học của thí sinh đã bước vào giai đoạn cuối. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến gày 26-9, có trên 220 nghìn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, chiếm 34% thí sinh đăng ký xét tuyển, trong đó, số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến chiếm 70% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Thời hạn các trường thực hiện xét tuyển bổ sung cũng đã được lùi lại đến gày 15-10.

Trong bối cảnh bùng nổ ngành nghề đào tạo, bùng nổ tổ hợp xét tuyển, để chọn được một ngành học khả thi, thí sinh cần chú ý điều gì? Khoảng cách giữa cung – cầu nguồn nhân lực, tình trạng cử nhân thất nghiệp bao giờ sẽ được giải quyết? Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật tuần này của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD & ĐT) về vấn đề này.

PV: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, xin bà cho biết, đến thời điểm này, việc tuyển sinh đại học nguyện vọng 1 và điều chỉnh nguyện vọng diễn ra như thế nào? Có thuận lợi và khó khăn gì?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Thực hiện lịch điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh năm 2020 của Bộ GD&ĐT, tính đến nay thí sinh đã và đang thực hiện điều chỉnh nguyện theo đúng quy định, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần duy nhất bằng một trong hai hình thức: Điều chỉnh trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (https://thituyensinh.vn) từ ngày 19-9 đến ngày 25-9 (thí sinh chỉ thay đổi trong số lượng nguyện vọng đã đăng ký), điều chỉnh bằng phiếu từ ngày 19-9 đến 27-9 (thí sinh được tăng thêm số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển và điều chỉnh cả ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực nếu có). Ngày 15-10, sẽ có đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học

Việc thực hiện điều chỉnh nguyện vọng về cơ bản giữ ổn định như các năm trước đã tạo tâm lý ổn định, thuận lợi cho thí sinh. Hệ thống vận hành ổn định. Các thắc mắc của thí sinh, của điểm tiếp nhận đều được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, do đây là một hệ thống lớn với số lượng thí sinh tham gia đông, vẫn còn một số thí sinh không đọc kỹ tài liệu, không tham gia thực hành điều chỉnh lọc ảo nên trong quá trình thực hiện còn bỡ ngỡ. Một số điểm tiếp nhận còn nhập sai thông tin của thí sinh. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT báo cáo, tổng hợp để kịp thời giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

PV: Ngoài điểm chuẩn năm trước, thí sinh nên tham khảo những thông tin nào để việc đăng ký nguyện vọng được chính xác, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Các em có thể tham khảo thông tin về: Phương thức xét tuyển, ngành tuyển sinh, trường tuyển sinh, điểm trúng tuyển, số thí sinh nhập học 2 năm gần nhất, tình hình việc làm của sinh viên, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất, học phí… Ngoài ra thí sinh còn có thể tiếp nhận thông tin tuyển sinh từ việc tư vấn tuyển sinh của các chuyên gia, các thầy cô giáo, các diễn đàn, các cơ quan báo chí truyền thông. Như vậy, các em thí sinh và gia đình không thiếu thông tin/dữ liệu, thông tin tư vấn, và cũng không khó để tìm kiếm các thông tin đó.

PV: Trong tư duy của các em thí sinh, ngành “hot” là ngành điểm chuẩn cao, ra trường dễ xin việc làm, nên các em đã lao vào đăng ký. Theo bà, bằng đó “thông số” đã đủ để đánh giá độ “hot” của một ngành hay chưa?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Vài năm trở lại đây, nhiều học sinh khi đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng, thường lựa chọn những ngành được cho là “hot” vì cho rằng đầu ra sẽ dễ dàng hơn. Đây là nguyện vọng cá nhân của các em và gia đình. Tuy nhiên, việc các thí sinh ồ ạt đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vào những ngành đó, vô hình trung đã khiến cho điểm chuẩn đại học những ngành này đã cao lại càng cao hơn. Việc thí sinh chọn ngành “hot” theo trào lưu mà không tìm hiểu kĩ lưỡng về cơ hội nghề nghiệp, chưa đánh giá kỹ càng về mức độ phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của bản thân sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình học tập tại giảng đường đại học sau này, cũng như cơ hội phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp tương lai.

Bên cạnh những ngành luôn có mức độ cạnh tranh cao như các ngành của các trường thuộc khối Công an, Quân đội hay y dược, một số ngành mới đây cũng "nổi lên" và được nhiều thí sinh lựa chọn là Công nghệ thông tin hay một số ngành kỹ thuật công nghệ cao.

Tại nhiều trường đại học, ngành Công nghệ thông tin luôn nằm trong những ngành có điểm chuẩn dẫn đầu. Ví dụ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2019, các ngành liên quan đến công nghệ thông tin đều lấy điểm chuẩn từ 25 điểm trở lên. Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Giao thông Vận tải, ngành Công nghệ thông tin cũng là ngành có điểm chuẩn đầu vào cao nhất.

Đối với các trường thuộc khối kinh tế, quản trị kinh doanh, những ngành như Kinh tế đối ngoại, Kinh tế quốc tế, Tài chính Ngân hàng, Quản trị kinh doanh… ở các cơ sở đào tạo uy tín như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân…, luôn được các thí sinh lựa chọn nhiều hơn, khiến điểm chuẩn những ngành này cũng luôn ở ngưỡng rất cao. Ngành Logistics mặc dù mới xuất hiện những cũng luôn nằm trong những ngành được nhiều thí sinh đăng ký.

Tôi cho rằng, cơ hội việc làm thực chất phụ thuộc vào năng lực và nhất là sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Bởi dù có học ngành được coi là “hot” nhưng kết quả học tập không tốt, người học không có thái độ cầu tiến và thiếu đi ý chí cũng như khả năng không ngừng học hỏi thì thị trường lao động cũng sẽ không chấp nhận.

PV: Vậy bà có lời khuyên gì để giúp các em điều chỉnh nguyện vọng được khả thi nhất?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Khi chọn trường và ngành để đăng ký xét tuyển, các em nên tìm hiểu kỹ về ngành đào tạo đó, căn cứ vào sở trường, khả năng, đam mê, hoài bão của bản thân, điều kiện của gia đình để ra quyết định lựa chọn. Ngay cả khi các em đặt tiêu chí cơ hội việc làm sau này để lựa chọn ngành học, cũng cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về ngành nghề đó trong giai đoạn trước (nếu có), tình hình hiện tại và các dự báo trung hạn để ra quyết định. Có nhiều ngành hiện đang rất phát triển nhưng không có nghĩa là trong tương lai triển vọng phát triển của ngành đó vẫn tốt.

Về mặt nguyên tắc lựa chọn khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, các em nên cân nhắc các tiêu chí theo thứ tự: Ngành nghề yêu thích, phù hợp với khả năng và trình độ của bản thân, triển vọng nghề nghiệp và điều kiện gia đình.

Đồng thời, về mặt kỹ thuật các em cũng cần lưu ý một số điểm như sau: Đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường, các văn bản hướng dẫn, tham khảo tư vấn của các chuyên gia. Nguyện vọng nào mong muốn hơn thì để lên trên hoặc có thể tham khảo điểm trúng tuyển theo các trường ngành để sắp xếp các nguyện vọng. Hệ thống sẽ xét tuyển theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, nếu trúng tuyển ở nguyện vọng nào sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó.

Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức, vào nhiều ngành, trường khác nhau, nếu trúng tuyển, xác nhận nhập học (bằng cách nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi) thì sẽ mất quyền xét tuyển bằng kết quả thi. Do vậy, thí sinh phải cân nhắc trước khi quyết định.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc khối Công an, Quân đội cần phải tham gia sơ tuyển và đạt sơ tuyển, phải đăng ký nguyện vọng 1 thì mới được xét tuyển.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành có tổ hợp năng khiếu, phải thi hoặc nộp điểm năng khiếu hợp lệ cho các trường để nhập lên hệ thống, khi đó tổ hợp xét tuyển mới hợp lệ.

Thí sinh phải xem kỹ ngưỡng đảm bảo chất lượng (ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển) do các trường quy định đối với từng ngành, tổ hợp xét tuyển hoặc bài thi/môn thi; các điều kiện sơ tuyển để đăng ký xét tuyển hoặc điều chỉnh nguyện vọng.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ tài liệu, quy trình hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng để thực hiện đúng, đủ và hết quy trình.

Sau khi điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh phải thoát ra và sau đó vào lại hệ thống để kiểm tra kết quả điều chỉnh.

PV: Hiện nở rộ nhiều chuyên ngành, mã ngành đào tạo mới, có thực sự xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động không,? Khi cho các trường mở ngành, Bộ GD&ĐT có yêu cầu “các ngành đào tạo mới phải thực sự là những ngành mà xã hội cần”, hay không, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học (Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 6-9-2017) và trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ (Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 4-4-2017), trong đó yêu cầu các ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường.

Mặt khác, quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo (Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT) cũng yêu cầu các trường phải thực hiện khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và ngành/chuyên ngành đào tạo; khảo sát nhu cầu của người sử dụng lao động… Tổ soạn thảo, cũng như Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo bắt buộc phải có thành phần là đại diện cho các đơn vị sử dụng lao động sau đào tạo (các thành viên Tổ soạn thảo không tham gia Hội đồng thẩm định).

Để xác định được chỉ tiêu tuyển sinh, các trường phải căn cứ vào tiêu chí nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: “Cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải căn cứ nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương và của ngành”.

PV: Những bất cập giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực như: cung – cầu chưa gặp nhau; sinh viên thất nghiệp, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo…, sẽ được Bộ GD&ĐT giải quyết như thế nào? Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học đang được Bộ GD&ĐT xây dựng trình Chính phủ có tính đến việc cung – cầu trong đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực hay không, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số gần đây nhất (quý 1/2020) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện và công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ đại học trở lên trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) là 3,51%. Có thể nói đây là tỷ lệ chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, thu hẹp khoảng cách cung - cầu giữa việc cung ứng và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên luôn là mục tiêu ưu tiên của Bộ GD&ĐT. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai những hoạt động sau: Quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học và một trong những nhiệm vụ của quy hoạch là giải bài toán cung - cầu nêu trên.

Đổi mới quản lý Nhà nước theo hướng quy định hệ thống chuẩn chất lượng; quy định về trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng thực tế. Tiếp tục hoàn thiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam, xây dựng, ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho từng trình độ, từng ngành/ nhóm ngành theo từng lĩnh vực đào tạo, điều chỉnh từ định hướng nội dung sang định hướng đầu ra, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng đào tạo…

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp theo hướng mời doanh nghiệp tham gia ngày càng sâu, rộng vào quá trình đào tạo/nghiên cứu và ngược lại. Bộ GD & ĐT đang chuẩn bị để tiến tới có kênh khảo sát độc lập nhằm đảm bảo thông tin về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp được khách quan nhất có thể; đồng thời, khởi động trang http://huongnghiepvieclam.vn/. Đây sẽ là diễn đàn để cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, sinh viên tốt nghiệp và toàn xã hội chia sẻ/đóng góp thông tin nhằm xây dựng một nền giáo dục đại học đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xã hội.   

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Các em hãy lựa chọn các kênh tư vấn thật uy tín để tham khảo, vì ở giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, các em có thể sẽ bị lúng túng trong ma trận thông tin luôn cập nhật mỗi ngày. Ngay từ đầu cấp THPT, các em đã phải tự định hướng về khối ngành, nhóm ngành học để lựa chọn, từ đó tập trung cao độ cho việc học tập, rèn luyện phù hợp. Vì vậy, các em có 3 năm để nghiên cứu tìm hiểu, tự đánh giá lại năng lực, nhu cầu của bản thân trước khi ra quyết định đăng ký xét tuyển.

 

Theo THU PHƯƠNG (Công an nhân dân)