Theo bà Hon trình bày, gia đình bà có 15.576m2 đất ruộng (tọa lạc tại ấp Thạnh Hòa), đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1994. Năm 1997, địa phương thu hồi 8.376m2 đất để xây dựng trường THPT và khu dân cư, gia đình bà đã nhận tiền bồi hoàn xong. Thế nhưng, quá trình san lấp mặt bằng, phần đất thực tế gia đình bà bị san lấp lên đến trên 10.000m2 (thừa 1.631m2). Phát hiện sự chênh lệch này, vợ chồng bà tìm cách ngăn chặn, đồng thời làm đơn khiếu nại. UBND xã Thạnh Mỹ Tây đề nghị bà chấp nhận vụ việc, hứa sẽ bồi thường thêm phần đất thừa này.
Bà Hon trình bày vụ việc
“Tôi kiên quyết không chấp nhận. Phần đất còn lại trên (nằm phía sau trường học) do gia đình tôi quản lý, sử dụng đến nay. Chúng tôi không nhận tiền bồi thường. Sau đó, UBND xã cho rằng đây là công trình khu dân cư mở rộng, nên phải thu hồi tiếp phần đất 1.631m2 này của tôi. Tôi không thống nhất, vì UBND xã cố tình san lấp thêm diện tích để giải quyết bồi thường theo giá quy định thấp, nhưng sau đó phân lô bán nền cho các hộ dân khác với giá cao. Gia đình tôi liên tục gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện, yêu cầu công nhận quyền sử dụng phần diện tích 1.631m2 đất của chúng tôi, nhưng nhiều lần gửi đơn đều không được giải quyết hay có văn bản nào trả lời cụ thể vụ việc này. Mới đây, bỗng nhiên có một số hộ đến dọn đất để cất nhà, cho rằng đã mua nền nhà của UBND xã. Trong khi chủ quyền sử dụng đất vẫn là của gia đình tôi, địa phương không có quyết định thu hồi và gia đình tôi không nhận tiền bồi thường. Vì vậy, tôi ngăn cản và tiếp tục khiếu nại. Ngoài ra, trong việc quy hoạch làm tuyến dân cư kênh 7, kênh 9, xã Thạnh Mỹ Tây vào năm 2004, UBND xã sử dụng phần đất thổ cư của gia đình tôi có diện tích 814,5m2, cũng không có quyết định thu hồi và không giải quyết bồi thường (có biên bản đo đạc xác định diện tích của cán bộ địa chính xã, huyện). Vợ chồng tôi liên tục khiếu nại, nhưng hơn 20 năm nay chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết thấu đáo. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng sớm giải quyết: nếu trưng dụng thì bồi thường thêm 1.631m2 đã san lấp thừa trước đây. Còn phần đất 814,5m2, nếu nhà nước thương lượng thỏa thuận mua bán với tôi thì tôi bán, còn không thỏa thuận mà tự ý phân nền bán thì tôi không thống nhất” - bà Hon khẳng định.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Thạnh Mỹ Tây cho biết, trước đây, khi thành lập Trường THPT Thạnh Mỹ Tây, địa phương mua 2.800m2 đất của ông Nguyễn Văn Liệt (chồng bà Hon) để xây dựng phòng học. Sau đó, do nhu cầu phát triển của trường và thành lập cụm, tuyến dân cư của xã, năm 1997, địa phương tiếp tục mua thêm đất của một số hộ lân cận, trong đó có hộ ông Liệt (diện tích 4.284m2). Cả 2 lần mua đều có quyết định thu hồi và bồi hoàn đầy đủ. Gia đình ông Liệt đã nhận tiền bồi hoàn xong, không còn thừa phần đất nào. Hiện tại, bà Hon tự ý đứng ra bao chiếm đất, đem lưới B40 rào chắn một số lô nền, không cho người dân cất nhà. Trong đó bà Hon bao chiếm tại 2 khu vực: phía sau trường THPT (16 nền) và phía sau nhà của bà Hon (12 nền), thuộc phần đất đã thu hồi và bồi hoàn xong cho hộ ông Bùi Văn Đô, Thái Văn Cầu và Thái Văn Miễn.
“Bà Hon cho rằng: “Nhà nước san lấp thừa đất của gia đình bà nhưng chưa bồi thường”, bản thân bà không có cơ sở chứng minh. Địa phương xác định, khiếu nại của bà không có cơ sở. Trước khi đi vào thực hiện công trình, chúng tôi căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập cụm, tuyến dân cư vượt lũ bố trí cho hộ nghèo vào ở, đồng thời huyện lập phương án đền bù rõ ràng, chứng từ thu chi cụ thể. Không chỉ riêng hộ bà Hon, mà đối với một số hộ dân khác có đất nằm trong khu quy hoạch, đều được thực hiện đúng quy định. Vừa qua, đoàn kiểm tra công tác quản lý nền và thu nợ tiền nền trả chậm tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn huyện đã tiến hành kiểm tra, báo cáo UBND huyện (trong đó có trường hợp khiếu nại của bà Hon). Được biết, UBND huyện đã giao Thanh tra huyện thụ lý, thẩm tra rà soát lại toàn bộ vụ việc khiếu nại của bà Hon, để báo cáo đề xuất UBND huyện hướng xử lý phù hợp” - ông Viễn thông tin thêm.
Bài, ảnh: K.N