Vua khai sáng nhà Lê, lãnh tụ khởi nghĩa chống quân Minh. Quan nhà Minh nghe tiếng ông, dụ làm quan, ông không chịu khuất, thường: “Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người”. Ông giấu mình ở chốn sơn lâm, kết nạp hào kiệt, chiêu tập quân sĩ, đến cuối năm Đinh Dậu 1417, ông giương cao cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định vương. Dưới ngọn cờ khởi nghĩa, đông đủ anh hào góp sức: Đinh Lễ, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Nguyễn Thân (tức Lê Lai), Bùi Quốc Hưng, Trịnh Khả, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi…
Năm 1427, Lê Lợi đóng quân ở Bồ Đề uy hiếp thành Đông Quan, dồn toàn lực luợng đánh một trận để đời tại Chi Lăng, chém chết Liễu Thăng tại gò Đảo Mả, bắt sống 2 tướng Hoàng Phúc và Thôi Tụ tại Xương Giang, giết tướng Lương Minh, khiến Lý Khánh tự tử, đuổi được Mộc Thạnh về nước. Tổng Tư lệnh quân Minh là Vương Thông phải viết thư cầu hòa, ôm hận rút quân về nước. Năm 1428, ông lên ngôi vua, tên thụy là Lê Thái Tổ, đặt hiệu nước là Đại Việt, hiệu năm là Thuận Thiên, đóng đô ở Đông Kinh (Hà Nội). Năm Quý Sửu 1433, ngày 22-8 (âm lịch) ông mất, hưởng dương 48 tuổi, ở ngôi 6 năm.
Trần Huy Liệu (Tân Sửu 1901-1969)
Trần Huy Liệu là nhà báo, nhà văn, nhà sử học, nhà hoạt động chính trị xuất sắc, là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, nhưng sau này ly khai tổ chức này và gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là người sáng lập ra Cường học thư xã ở Sài Gòn (1928), chuyên xuất bản sách và cổ vũ tinh thần yêu nước. Từng bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đày ở Côn Đảo, Sơn La.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Sau đó, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời. Cuối tháng 8-1945, ông cùng Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.
Sau này, ông chuyên tâm nghiên cứu khoa học lịch sử, làm Viện trưởng Viện Sử học và qua đời năm 1969. Ông được Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) mời làm viện sĩ. Năm 1996, ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học - nghệ thuật.
Nguyễn Thái Học (Tân Sửu 1901-1930)
Nguyễn Thái Học sinh ra trong một gia đình trung nông, sống bằng nghề làm ruộng, dệt vải. Năm 1925-1927, ông ghi danh học Trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương.
Ngày 25-12-1927, ông trở thành người lãnh đạo tối cao của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng. Ngày 9-2-1929, tại chợ Hôm (Hà Nội) xảy ra vụ trùm mộ phu Ba danh bị đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng ám sát, thực dân Pháp điên cuồng thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng và lùng bắt gắt gao những đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Thái Học và lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã quyết định tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái với chủ trương bạo động (tháng 2-1930). Lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ được tỉnh lỵ Yên Bái trong 2 ngày, sau đó bị thực dân Pháp dìm trong bể máu.
Ngày 17-6-1930, ông cùng với 10 đảng viên khác của Việt Nam Quốc dân Đảng bị xử tử tại pháp trường Yên Bái. Cuộc đời của lãnh tụ Nguyễn Thái Học là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh quật cường chống giặc ngoại xâm, niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam.
Trần Nguyên Đán (Ất Sửu 1325-1390)
Trần Nguyên Đán là danh sĩ nổi tiếng đời Trần, hiệu là Băng Hồ. Ông là chắt nội của Trần Quang Khải và là ông ngoại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Đời Trần Dụ Tông (1341-1369), ông được bổ làm Ngự sử đại phu; đời Nghệ Tông lên chức Tư đồ, tước Chương Túc hầu.
Ông sống vào lúc triều Trần suy vi nên mang trong mình rất nhiều tâm sự. Năm Ất Sửu (1385), ông về Côn Sơn ở ẩn và mất sau đó 5 năm (năm 1390), thọ 65 tuổi. Ông là “cây cột chống trời” cuối cùng của nhà Trần, nên khi ông mất đi triều đình ngày càng suy yếu và chưa đầy 10 năm sau nhà Trần đã bị Hồ Quý Ly cướp ngôi.
Trần Quang Khải (Tân Sửu 1241-1294)
Trần Quang Khải là con trai thứ 3 của vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Thuận Thiên, em ruột vua Trần Thánh Tông. Thuở nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, giỏi văn lẫn võ, được vua cha rất mực yêu quý. Năm 1259, ông được vua Trần Thánh Tông phong làm Thái úy, ban tước Chiêu Minh vương, cai quản vùng đất Nghệ An.
Năm 1271, ông được phong làm Tướng quốc Thái úy. Khi quân Nguyên xâm lược nước Nam, ông được phong chức Thượng tướng Thái sư, chuẩn bị chống giặc. Đặt vận mệnh đất nước lên trên quan hệ cá nhân, gạt bỏ mối bất hòa, ông cùng với Trần Hưng Đạo đoàn kết, dốc sức đánh giặc. Tháng 5-1285, ông cùng các tướng nhà Trần mở cuộc tổng phản công, đánh tan giặc Nguyên ở Chương Dương và tiến về giải phóng Thăng Long. Năm 1294, ông qua đời ở tuổi 53.
Người đời sau đánh giá cao về Trần Quang Khải là nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn của dân tộc... đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách, rạng ngời sử Việt.
K.N