Đạo luật chuyên biệt dành cho người chưa thành niên

14/10/2024 - 07:20

 - Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ tiếp tục được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên nhằm đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật lĩnh vực này, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Theo Báo cáo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) năm 2019, giai đoạn 2006 - 2018, trung bình mỗi năm có 13.000 người chưa thành niên (96% là nam) vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự hoặc hành chính; thuộc nhóm tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Gần 24% không biết chữ hoặc chỉ học tiểu học, gần 48% đã thôi học. Các hành vi xâm phạm sở hữu là phổ biến nhất (gần 46%), đặc biệt là trộm cắp tài sản (gần 38%). Hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác chiếm hơn 18% tổng số vi phạm. Việc áp dụng hình phạt tù có thời hạn khá phổ biến. Cứ 10 người chưa thành niên phạm tội và bị kết án thì 9 người bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Khoảng 1/3 số này được hưởng án treo để giám sát, giáo dục tại cộng đồng trong thời gian thử thách nhất định.

Việt Nam hiện có 7 bộ luật, luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề liên quan đến trẻ em, gồm: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trẻ em. Đồng thời, có 23 đạo luật điều chỉnh liên quan đến tư pháp hình sự người chưa thành niên, cùng nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đang tồn tại một số hạn chế, như: Thủ tục tố tụng hình sự vốn được thiết kế dành cho người trưởng thành, có một số quy định để giải quyết vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, dẫn đến thủ tục chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên. Biện pháp “giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự” tuy đã được quy định trong Bộ luật Hình sự để thay thế các hình phạt, nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; hệ thống hình phạt chưa phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

Tổ chức lấy ý kiến dự thảo luật

Về cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa được nội luật hóa đầy đủ; một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; còn thiếu thiết chế, cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng; chưa quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Quy định về giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin: “Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ góp phần giải quyết những bất cập trên, hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ, nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên...”.

Dự thảo luật gồm 173 điều, được bố cục thành 5 phần, 11 chương, quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Có ý kiến đề nghị giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự “từ đủ 14 tuổi” theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành xuống 12 tuổi, vì trẻ em hiện nay trưởng thành hơn về tâm, sinh lý, hiểu biết hơn so với giai đoạn trước. Theo luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh), vấn đề “tuổi chịu trách nhiệm hình sự” thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự, cần phải tổng kết, nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình tổng kết, sửa đổi Bộ luật Hình sự. Xuất phát từ đặc điểm chưa phát triển toàn diện về mọi mặt (thể chất, tinh thần, nhận thức...), nên khi phạm tội, bị phạt tù có thời hạn, người chưa thành niên được áp dụng mức án nhẹ hơn mức áp dụng với người trưởng thành. Điều này đã được quy định thống nhất trong Bộ luật Hình sự nước ta từ năm 1985 đến nay. Quy định này phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, pháp luật của các nước trên thế giới. Do đó, đề nghị cho tiếp tục kế thừa chính sách về hình phạt như cũ.

Qua các đợt lấy ý kiến rộng rãi, vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau, thống nhất hoặc chưa thống nhất về sự cần thiết ban hành trong thời điểm này. Đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ quy định “tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên”; cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; trách nhiệm của gia đình trong việc giám hộ, xử lý chuyển hướng người chưa thành niên… Đồng thời, phân tích tính khả thi của 12 biện pháp xử lý chuyển hướng (từ xử lý hình sự sang xử lý vi phạm hành chính); vai trò trách nhiệm của các cơ quan liên quan (công an, viện kiểm sát, tòa án…).

AN KHANG