Đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của các trường chính trị ở ĐBSCL đáp ứng yêu cầu của trường chính trị chuẩn

19/08/2024 - 06:06

 - Việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học (NCKH) tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, trường chính trị cấp tỉnh khu vực ĐBSCL nói riêng là đòi hỏi cấp thiết, nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Theo ThS Huỳnh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng (tỉnh An Giang), để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư ban hành Quy định 11-QĐ/TW về “Trường chính trị chuẩn”. Đây là bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, NCKH và tổng kết thực tiễn ở trường chính trị cấp tỉnh.

Từ những chủ trương, định hướng sâu sắc của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; sự lãnh, chỉ đạo thường xuyên của thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, các trường chính trị trong khu vực ĐBSCL đã tập trung phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu ban hành kế hoạch, đề án thực hiện hiệu quả Quy định 11-QĐ/TW.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên được quan tâm đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao; bản lĩnh, lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức nghề nghiệp cao, luôn tích cực nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cơ sở vật chất trường chính trị được chú trọng đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và NCKH chính trị, tổng kết thực tiễn ở các địa phương, nhất là nhiệm vụ xây dựng “Trường chính trị chuẩn”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chúc mừng kỷ niệm 75 năm thành lập Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

Theo TS Lê Quang Vinh, Trưởng khoa Lý luận cơ sở (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng), Đảng ta luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, Đảng đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm chỉ đạo có tính hệ thống, chú ý đến thực chất vấn đề trong quá trình thực hiện.

Qua đó, tạo điều kiện cho các trường chính trị không chỉ có cơ sở pháp lý trong thực hiện nhiệm vụ, mà còn hình thành phong trào ra sức phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của trường chính trị, xây dựng “Trường chính trị chuẩn” trên phạm vi cả nước.

Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị là nhân tố quyết định đến thành công sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã không ngừng phát triển về chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt phương châm “gắn lý luận với thực tiễn”.

Qua đó, góp phần quan trọng truyền bá hệ tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, lập trường tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, tạo sự thống nhất trong nhận thức, niềm tin và hành động của toàn Đảng. Xây dựng đội ngũ giảng viên trường chính trị thực sự vừa là người cán bộ khoa học, vừa là chiến sĩ cách mạng nhiệt huyết trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và là một giải pháp cần thiết trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) hiện nay.

Hiện, trong Cụm thi đua các trường chính trị tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng vinh dự là trường thứ 9 cả nước, trường đầu tiên ở ĐBSCL được công nhận “Trường chính trị chuẩn mức 1” (theo Quyết định của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

ThS Nguyễn Thành Nhân (Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) cho biết, đây là niềm vinh dự và tự hào của tỉnh An Giang; của các thế hệ viên chức, giảng viên, người lao động và học viên nhà trường. Đây còn là động lực phát triển mới, nguồn cổ vũ lớn lao; là trách nhiệm mới cho tập thể nhà trường tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên hơn nữa.

“Trường đang xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu trường chuẩn mức 2 trong thời gian sớm nhất. Đến tháng 7/2024, trường đạt 31/65 chỉ tiêu, tương ứng gần 50%. Với những kết quả đạt được và bề dày hơn 75 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng sẽ tiếp tục tiếp nối xứng đáng với truyền thống, không ngừng nỗ lực xứng tầm với ngôi trường mang tên Bác Tôn kính yêu” - ThS Nguyễn Thành Nhân khẳng định.

Trước đó, dẫn đầu đoàn công tác Trung ương làm việc với Tỉnh ủy An Giang nhằm khảo sát thực tế làm cơ sở xét công nhận Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn “Trường chính trị chuẩn mức 1”, PGS TS Hoàng Phúc Lâm (Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định) đánh giá rất cao sự nỗ lực cố gắng của trường trong đào tạo, bồi dưỡng, NCKH; sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Đồng thời, đề nghị tỉnh An Giang tiếp tục hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại; xây dựng “Văn hóa trường Đảng”, chuẩn về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, NCKH, tổng kết thực tiễn…

HỮU HUYNH