Đào tạo nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

17/05/2022 - 06:42

 - Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là cần thiết. Từ đó, hệ thống các trại giam được liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức cho phạm nhân lao động, có tay nghề, ổn định cuộc sống sau khi chấp hành án.

Khảo sát tình hình lao động, dạy nghề trong trại tạm giam

Thời gian qua, hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại trại giam cho thấy ý nghĩa về môi trường lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, cải thiện đời sống cho phạm nhân. Đặc biệt, tạo điều kiện về tâm lý lao động phù hợp cho phạm nhân, nâng cao thái độ chấp hành cải tạo và tiếp thu kiến thức trong dạy nghề, truyền nghề. Phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù có thể tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội.

Công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của trại giam. Việc trại giam bố trí, sắp xếp, tổ chức cho phạm nhân lao động thường xuyên, môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng. Nhiều trại giam không đủ khả năng tạo ra việc làm, công nghệ, phải tìm kiếm hợp tác với tổ chức, cá nhân để bố trí việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan.

Thực tế cho thấy, phạm nhân thường được tiếp cận ngành nghề đơn giản, như: Lao động nông, lâm nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế… Yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp, mang tính thời vụ. Do vậy, các ngành nghề này ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề thường xuyên, hiệu quả; khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội.

Hiện nay, trại giam Định Thành (Bộ Công an - đặt tại An Giang) đang quản lý gần 2.000 phạm nhân (hơn 800 nữ). Đơn vị thực hiện theo Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thi hành án phạt tù. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân, như: Tư vấn tâm lý, định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm. Việc dạy nghề, truyền nghề và lao động sản xuất chủ yếu là lao động trong nhà xưởng (chiếm tỷ lệ 75%). Các phạm nhân được bố trí lao động phù hợp với giới tính, độ tuổi, sức khỏe theo quy định. Từ đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức dạy nghề cho 281 phạm nhân mới nhập trại (164 nữ). 6 tháng cuối năm 2022, Trại phối hợp Trường trung cấp kỹ thuật - công nghệ An Giang mở lớp dạy nghề, như: Xây dựng dân dụng, điện công nghiệp, may dân dụng… cho phạm nhân. Trại trang bị đầy đủ quần áo, đồ dùng bảo hộ lao động, không để xảy ra trường hợp phạm nhân bị tai nạn lao động.

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Tuy nhiên, việc tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn vướng mắc.

Thượng tá Nguyễn Tấn Hùng (Phó Giám thị Trại giam Định Thành) thông tin: “Diện tích đơn vị còn nhỏ hẹp, quá trình lao động, dạy nghề cho phạm nhân chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, cần phải hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc… tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên, đối tác, doanh nghiệp rất e ngại việc vào khu vực giam giữ để liên kết, hợp tác lao động sản xuất. Nếu được Quốc hội, các ngành, các cấp cho phép, trại giam trực thuộc Bộ Công an có thể lựa chọn phạm nhân đủ điều kiện tổ chức lao động ngoài trại giam. Hoạt động nhằm giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua lao động; hỗ trợ phạm nhân chuẩn bị điều kiện tái hòa nhập cộng đồng”.

Tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam không mang yếu tố thương mại, mà gắn với nhiệm vụ giáo dục cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề. Nghị quyết thí điểm đang nhận được sự đồng tình từ các đơn vị liên quan. Dự kiến, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (diễn ra vào cuối tháng 5/2022) thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết này.

Theo khảo sát thực tế, số lượng phạm nhân chấp hành xong án phạt tù đa số thuộc độ tuổi lao động (từ 18 - 45 tuổi), rất muốn tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống (khoảng 86,4% trong tổng số phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hàng năm).

NGUYỄN HƯNG