Một trong những luận điệu mà chúng đưa ra là, thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải do sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là kết tinh sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, mà thành công đó là một sự “may mắn” do điều kiện lịch sử tạo ra. Thực chất, đây chính những luận điệu xuyên tạc ấu trĩ. Ẩn đằng sau đó chính là mưu đồ nhằm hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; hạ thấp, phủ nhận sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam; xem nhẹ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; bôi nhọ, xuyên tạc, nhằm tạo nên góc nhìn phiến diện, sai lệch của một số người dân của các nước trên thế giới chưa nhận thức đúng thực tế khách quan, chưa hiểu đúng thực chất những thành quả cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhìn lại lịch sử dân tộc ta những năm 30, 40 của thế kỷ XX, chắc chắn rằng tất cả những người có lương tri, có tư duy đều dễ dàng nhận thấy thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh của toàn dân tộc. Đặc biệt, thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhờ có tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán của Đảng ta trong xác định, lựa chọn thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa.
Văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước. Ảnh: TƯ LIỆU
Ngay từ ngày đầu thành lập, trong “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2-1930, Đảng ta đã chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ chủ trương, đường lối đó, Đảng ta đã cụ thể hóa vào thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp trong mỗi thời điểm và đã tổ chức lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh rộng khắp, đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.
Từ thực tiễn cách mạng, chúng ta khẳng định thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thành quả của sự đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh, mất mát của toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Đó là chuẩn bị về chủ trương, đường lối; về xây dựng lực lượng chính trị; về xây dựng lực lượng vũ trang; về xây dựng căn cứ địa cách mạng; về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa. Đó là kết tinh sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Những năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hoạt động đối ngoại của Đảng, nhà nước ta đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vị thế, vai trò và uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; thế giới ngày càng hiểu rõ, đánh giá đúng khách quan, thực chất về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đã 76 năm trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa cùng những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đó là cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc, mở ra một thời đại phát triển rực rỡ của đất nước với những chiến công oanh liệt như chiến thắng Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân 1975, với những thành tựu có tính lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, tạo dựng nên “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” chưa bao giờ có của Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
Để đập tan những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, phản động về giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày Quốc khánh 2-9, chúng ta phải tăng cường, mở rộng hoạt động đối ngoại, nhất là công tác tuyên truyền đối ngoại. Đồng thời, phải tích cực đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm để nâng cao hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Giáo dục để mọi người dân hiểu rõ việc xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử dân tộc ta của các thế lực thù địch là nhằm đẩy mạnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục củng cố, tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
H.C